Đèo Cổ Yểng thuộc xã Thanh Tương, huyện Nà Hang, Tuyên Quang. Đèo Cổ Yểng là một cái tên thân thuộc với người dân Nà Hang và với bất kỳ du khách nào đã từng đến vùng đất này để nghe lời kể về những bản làng ở Na Hang.
Ven chân đèo, cheo leo bên vách núi ấy là nơi cư trú của 45 hộ đồng bào dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, trong đó dân tộc Dao chiếm đa số.
Ngày xưa, mảnh đất này là chốn rừng thiêng nước độc, nơi chỉ có đồi núi, cỏ cây và một con suối ngày đêm chảy róc rách, đổ ra dòng sông Gâm thơ mộng. Năm 1987, bà con các xã Lăng Can, Phúc Yên, Khuôn Hà... đã rủ nhau về đây sinh sống và lập nên bản mang tên Cổ Yểng. Các hộ đã giúp nhau dựng lều lán, phát nương, làm rẫy để sinh sống. Bản Cổ Yểng được thành lập năm 1989.
Đèo Cổ Yểng có nhiều cung đường quanh co nguy hiểm, những khúc cua uốn lượn với khung cảnh tuyệt đẹp.... một bên là những dãy đồi thấp, phía sau những quả đồi đó là những dãy núi trùng điệp hùng vĩ, còn bên kia là dòng sông Gâm trong xanh hiền hòa lặng lẽ trôi theo dòng chảy và bên kia sông là núi non hùng vĩ cũng không kém bờ bên này. Ở mé giáp sông được trồng Keo để giữ đất chống sạt lở xói mòi và những hàng keo đó lam cho chuyến hành trình của bạn thêm màu xanh của cây cối.
< Quanh co đèo Cổ Yểng.
Ngày nay, khi lên đến đỉnh đèo Cổ Yểng rồi rẽ phải, đi thêm hơn 1 km thì đến trung tâm thôn Cổ Yểng. Sau 3 năm trở lại, nơi này giờ đây đã “thay da đổi thịt”, hàng cột điện chạy dọc suốt đoạn đuờng vào bản, con đường bê tông mới tinh “trườn mình” bám theo vách đá, điểm trường tiểu học nằm trên lưng chừng đồi đang rộn rã tiếng học sinh tập đánh vần.
< Từ đèo Cổ Yểng nhìn về phía Nà Hang sẽ thấy núi Pắc Tạ. Pắc Tạ tiếng Tày có nghĩa là vú của Trời.
Nghe những người lớn tuổi ở thôn Cổ Yểng kể lại rằng, những năm 70 của thế kỷ trước, nơi này chỉ có vài hộ người Dao đỏ từ xã Phúc Yên về đây sinh sống. Lúc đầu mới chuyển về nơi ở mới, bà con dân tộc Dao chỉ biết phát nương làm rẫy. Được cán bộ của xã, của huyện vận động, dần dần bà con đã bỏ thói quen phát rừng làm nương để khai phá ruộng đất, trồng cây lúa nước.
< Lở đất mùa mưa bão.
Nhờ trồng cây lúa nước, người Dao ở đây đã đỡ vất vả hơn, nguồn lương thực được đảm bảo, đời sống từng bước được cải thiện. Ông Trương Phúc Hào, Trưởng thôn Cổ Yểng kể lại, thời đó ông còn là thanh niên đã cùng cha mẹ gùi ít đồ dùng sinh hoạt và các dụng cụ sản xuất về đây xem đất, làm nhà. Vậy mà tính đến nay, ông đã có hơn 30 năm sinh sống tại đây, đã có cháu nội để bế. Các cụ thấy đây là mảnh đất màu mỡ nên cứ ở mãi, lúc đầu chỉ có 7 hộ gia đình với vài chục người thì nay đã phát triển lên trên 50 hộ và lập nên thôn Cổ Yểng ngày nay.
< Đường bê tông vào thôn Cổ Yểng ngày nay.
Ba năm về trước, ai vào thôn Cổ Yểng cũng phải ngao ngán. Mặc dù con đường ĐT190 nối vào thôn chỉ dài chừng hơn 1km nhưng phải 7 lần lội suối, lại dốc trơn khó đi. Thôn không có điện, không có nước sạch để sinh hoạt, đường xá đi lại khó khăn dẫn đến nhiều trẻ em trong bản bỏ học. Năm 2010, thôn được Nhà nước quan tâm đầu tư kéo điện lưới quốc gia, bà con mừng lắm. Ngày đơn vị thi công đến kéo điện, cả bản tham gia giúp đỡ những công nhân vận chuyển vật liệu, dựng cột để điện sớm về tới nhà.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2012, thôn tập trung mọi nguồn lực phấn đấu hoàn thành bê tông hóa 1,8 km đường giao thông nông thôn. Bắt tay vào thực hiện vấn đề này đã gặp không ít khó khăn bởi Cổ Yểng là một trong những thôn có số hộ nghèo cao nhất huyện, chiếm 80% tổng số hộ toàn thôn. Qua công tác vận động của cán bộ xã, thôn bản, bà con trong thôn đã thấy được những lợi ích mà chương trình mang lại nên nhiều hộ gia đình sẵn sàng bán lợn, bán gà đóng góp trên 70 triệu đồng để mua vật liệu. Với trên 1.000 ngày công lao động, bà con thôn Cổ Yểng đã làm được trên 800 m đường bê tông nông thôn, số còn lại sẽ được bà con thống nhất quyết tâm hoàn thành từ nay đến cuối năm 2012.
Hiện nay, thôn Cổ Yểng còn được Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư 1,3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 100 triệu đồng xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung về các hộ gia đình.
Những ngày này, bà con trong thôn đang tranh thủ thời gian nông nhàn tập trung cùng với đơn vị thi công vận chuyển vật liệu, đào đường ống dẫn nước về các hộ. Dự kiến đến cuối tháng 11 này, công trình nước sinh hoạt tập trung của thôn sẽ đưa vào sử dụng. Người dân thôn Cổ Yểng đã có đường bê tông sạch sẽ, có điện lưới, được sử dụng nước sạch.
< Đoạn suối tràn chảy qua tuyến đường vào thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương.
Điểm trường tiểu học và mầm non ở trung tâm thôn là 2 dãy nhà khá khang trang kiên cố nằm trên lưng một quả đồi. Điểm trường có 20 học sinh tiểu học và 15 trẻ mầm non, có 5 cô giáo phụ trách. Các em học sinh ở đây đến trường đều chuẩn bị đồ ăn cho bữa trưa từ sáng ở nhà. Các cô giáo ở đây chia sẻ, trước đây, tỷ lệ học sinh bỏ học ở thôn rất cao bởi đoạn đường từ nhà các em đến lớp khó đi và nguy hiểm. Nay điều kiện đi lại đã khá hơn trước nhiều rồi, vì thế 100% các em trong độ tuổi đều đến lớp, có em nhà xa tới 6 km nhưng vẫn đến trường đều đặn. Bà con ở đây đã ý thức được rằng, cho con cái đi học là để thoát nghèo nên ai cũng muốn con em mình có được cái chữ dù có vất vả nhưng chẳng ai sao nhãng việc học hành của con cái.
Cổ Yểng thay đổi được là nhờ phần lớn ở công tác dân vận. Qua việc thực hiện tốt công tác này, bà con ở đây đã có những chuyển biến về nhận thức.
Khi tiến hành triển khai các chương trình, dự án đầu tư, nhất là đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được bà con nhân dân hết lòng ủng hộ đóng góp tiền của, công lao động vì gắn liền với lợi ích thiết thực cho bà con. Điều kiện kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn nhưng các hộ đã đóng góp tiền, ngày công để kiến thiết cơ sở hạ tầng đó là điều từ trước đến nay mới làm được.
Trước khi chúng tôi rời Cổ Yểng, ông Trương Phúc Hào, Trưởng thôn chia sẻ, bài học kinh nghiệm ở Cổ Yểng trong huy động xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn là muốn thực hiện tốt công tác tập hợp quần chúng thì trước hết phải làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tôn trọng và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân. Cổ Yểng đang phấn đấu sẽ sớm thoát khỏi danh sách một trong những thôn khó khăn nhất trong số các thôn của huyện Nà Hang.
Tổng hợp từ NTO, báo Tuyên Quang
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét