Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Ði để khám phá và thêm yêu đất nước

(CMO) - Đã đặt chân đến và khám phá những vùng đất của 61 tỉnh, thành trên đất nước Việt Nam, “phượt thủ” 27 tuổi Trần Quốc Văn tâm sự, những chuyến đi của sự trải nghiệm liên tiếp có lắm bất ngờ lẫn không ít khó khăn.

Nó đòi hỏi sự đoàn kết, hỗ trợ của những người bạn đồng hành ở mỗi cung đường để cùng chinh phục đích đến, thoả đam mê.

Khi còn là chàng sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II TP Hồ Chí Minh (năm 2006), Quốc Văn đã thích thú với những chuyến du lịch bụi ngắn ngày tại vùng đất miền Tây. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trở về Cà Mau lập nghiệp, anh tham gia diễn đàn phuot.vn, chính thức trở thành “phượt thủ” từ sự kết nối những người yêu du lịch.

- Là người con vùng đất cực Nam Tổ quốc, khi đã chinh phục mọi miền Tổ quốc, anh có cảm nhận thế nào?

Anh Trần Quốc Văn: Miền Đông cuộc sống hối hả, miền biển đảo thì có vẻ tĩnh lặng hơn. Đi nhiều, cảm nhận nhiều điều, tôi rất thích những nét văn hoá độc đáo của dân tộc, cảm thấy yêu thêm đất nước Việt Nam. Tuy miền Tây đi nhiều nhưng tôi vẫn thích, bởi ngay cả trong miền Tây đã có cái đẹp rất riêng: An Giang có núi rừng; Kiên Giang có biển, đảo, hang động; Cà Mau có bãi bồi, ẩm thực hấp dẫn…

Tìm hiểu về nơi mình đến, trong đó có lịch sử của địa điểm, là một phần quan trọng của chuyến đi. Trước nay chỉ biết đến lịch sử Việt Nam qua bài vở, sách báo, nhưng khi đặt chân đến, được chứng kiến những chứng tích lịch sử còn sót lại của một trận chiến, tôi thấu hiểu sự hào hùng của các chiến sĩ thời đó: Điện Biên - nơi gắn với những chiến tích lịch sử như: Mường Thanh, khu trung tâm đề kháng Him Lam, Hồng Cúm, căn cứ địa Mường Phăng… và đặc biệt là đồi A1, nơi đã diễn ra trận chiến lịch sử kéo dài 39 ngày đêm.

Hay nghe bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” và đến để cảm nhận sâu sắc ca khúc cách mạng được Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đặc tả trong nỗi đau xót của bản thân với tâm trạng buồn nhớ của bao người trong thời kỳ nước nhà còn bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Sử sách đã ghi lại, nhưng đến tận nơi thì cảm xúc hoàn toàn khác.

Đặc biệt, trong chuyến phượt Tết, chúng tôi đã đến thăm mảnh đất Quảng Bình, kính cẩn nghiêng mình viếng và thắp nén hương nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ. Tôi quá đỗi tự hào được là con cháu của vị Tướng tài ba, lỗi lạc của dân tộc.

Tôi may mắn đặt chân đến bốn cực của địa đầu Tổ quốc: Lũng Cú (Hà Giang), A Pa Chải (Điện Biên), Mũi Đôi (Khánh Hoà) và Đất Mũi (Cà Mau).

Hành trình dài 5.000 km bằng rất nhiều phương tiện: xe máy, ô-tô, tàu lửa… đã giúp tôi và những người bạn trải nghiệm những nét đẹp văn hoá, phong tục và phong cảnh của nhiều vùng miền, địa phương trên cả nước.

Cảm xúc thật đặc biệt khi được đón ánh bình minh trên đỉnh địa đầu đất nước, từ Mũi Cà Mau ngược lên Lũng Cú, hạnh phúc khi được chạm tay vào cột mốc chủ quyền, thấy yêu sao đất nước, quê hương Việt Nam tươi đẹp.

- Hiện nay, trào lưu “phượt” đang phát triển trong giới trẻ, anh có những lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đam mê du lịch?

Anh Trần Quốc Văn:  Một chiếc xe máy, một chiếc áo đỏ sao vàng, một ba lô với vài thứ cần thiết và một chiếc máy ảnh là đủ để các bạn trẻ thực hiện chuyến “phượt” (nghĩa là đi du lịch bụi hoặc tự túc tổ chức tour du lịch bất kể bằng phương tiện nào).

Nhưng tiếc là một số ít các bạn lại có những hành động: giẫm đạp lên hoa cải, rau củ của bà con, tới vườn cây hái trái tự do, hay ra đường hô hào như một cách “sành điệu”…

Điều đó trái ngược với những người đi phượt nghiêm túc, chỉ là thoả đam mê với những tấm ảnh phong cảnh đẹp, họ hiểu và cảm thông với vất vả, thiếu thốn của người dân nơi họ đã đặt chân đến.

Dân phượt chân chính quan niệm: “Cuộc đời là những chuyến đi, những trải nghiệm thực tế, thông qua đó học hỏi rất nhiều, những thứ chưa bao giờ mình nghĩ sẽ làm được, cảm thấy tự tin, quyết đoán hơn, gần gũi hơn với mọi người, tự trưởng thành và cuộc sống không còn trở ngại mình”.

Sau những chuyến đi cảm thấy năng lượng như được tái tạo, phấn khởi, có sức sống để làm việc, hiệu quả công việc tốt hơn.

Thịnh nhất của dân phượt hiện nay là những cung đường càng sâu, càng xa, càng hiểm trở, càng có sức hấp dẫn. Nhưng cũng chính tại những cung đường đó, họ phải đối mặt với những bất trắc, đôi khi nguy hiểm. Sự cố như ngã xe, xay xát, hỏng xe, gặp mưa lũ… khó tránh.

Vì thế, đoàn “phượt” phải chuẩn bị sẵn sàng với mọi tình huống. Trưởng đoàn phải lập cung đường quyết đi trong một ngày, bố trí lịch trình hợp lý về số ki-lô-mét chạy trong ngày, về thời gian nghỉ.

Việc phân xe chốt, xe dẫn phải là những người có kinh nghiệm và phải tuân thủ quy tắc. Phải bảo đảm an toàn cả những lúc dừng chân ngắm cảnh, chụp ảnh, vui chơi vì rất nhiều bất trắc khó ngờ.

- Hành trình khám phá đất nước của anh sẽ dừng lại khi anh đã đi qua tất cả 63 tỉnh, thành?

Trần Quốc Văn:  Trước đây đừng nói là 61 tỉnh, nghĩ tới chuyện chạm cột cờ Lũng Cú, tôi đã thấy xa vời, hay đi những cực khác chỉ là giấc mơ.

Thế rồi, từ chuyến đi ngắn, tôi lại muốn đi, muốn khám phá, muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa.  Mỗi vùng, miền có cái hay, mỗi lễ hội một nét độc đáo, kể cả những món ăn ngon, lạ miệng cũng thật tinh tế. Tôi cố gắng sắp xếp công việc hợp lý nhất để lại vác ba lô lên và đi khám phá mọi vùng quê của đất nước.

- Xin cảm ơn anh.

Theo Băng Thanh (báo Cà Mau)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét