Cách cầu Kỳ cùng khoảng nửa cây số (trên đường đi Mai Pha) có núi đá hình voi nhô lên giữa cánh đồng. Đó là núi Đại Tượng, nơi đây có động Chùa Tiên, là một trong bát cảnh mà Ngô Thì Sĩ đã ghi nhận.
Động Chùa Tiên Nằm ngang chừng núi, lối lên có 64 bậc, cửa phụ quay về hướng đông, có cửa thông hiên, có đường xuống hồ thu thuỷ. Chùa Tiên còn được gọi là chùa Song tiên, được lập vào thời Hồng Đức (1460 - 1497), thuộc hệ phái Bắc tông. Trong động có nhiều thạch nhũ có hình dáng tiên ông , con voi hoặc con dơi bay. Nhiều tấm bia ma nhai của các nhà văn, các danh nhân cũng được thấy ở chùa Tiên này. Đằng sau núi Voi - Chùa tiên ở lưng chừng núi trên mặt bằng đá rộng đó là Giếng tiên, miệng giếng rộng 20cm có mạch nước quý chảy quanh năm.
Chùa nằm trong động, chính giữa có cung Tam Bảo thờ chư Phật, Bồ tát. Cung bên phải thờ vị anh hùng Trần Hưng Đạo, cung bên trái thờ Thánh Mẫu.
Động còn giữ bút tích của Ngô Thì Sĩ ghi trên bia đá bài Trấn doanh bát cảnh (tám cảnh đẹp của xứ Lạng). Chùa Tiên còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: chuông, hoành phi, câu đối…
Trước kia, chùa Tiên nằm bên cạnh giếng Tiên do nhân dân làng Phai Luông lập vào thời Lê Hồng Đức (1460-1497), sau khi chùa bị hư hại mới chuyển vào động núi Đại Tượng (núi hình con voi). Khi vào chùa Tiên, du khách sẽ thấy một nhũ đá to giống hình người ngồi trên bệ đá lớn. Tương truyền đó chính là tiên ông đã xuống trần dẫm chân xuống đá thành giếng nước, giúp dân chống hạn trong những năm hạn hán. Giếng nước đó gọi là Giếng Tiên, người dân đã lập bàn thờ để thờ tiên ông (Thần Nông).
Chuyện kể rằng: Ngày xưa, vào năm trời hạn hán đến nỗi sông Kỳ Cùng cũng cạn nước, đất đai nứt nẻ, cỏ cây héo khô, ruộng đồng xơ xác, dân làng Phia Luông không có nước dùng.
Bữa nọ, một bầy trẻ chăn trâu trong làng gặp một cụ già ăn mặc xềnh xoàng, dáng rất nghèo khổ đến gặp chúng xin ăn. Lũ trẻ vui vẻ chia phần cơm của chúng cho ông cụ và thành thực nói rằng: chúng cháu chỉ có cơm cho cụ ăn nhưng chẳng biết lấy gì mời cụ uống vì lâu nay làng đã không có nước.
Cảm kích trước tấm lòng thương người của lũ trẻ nên vừa nhận cơm xong, cụ già liền lấy gót chân giẫm xuống tảng đá, lập tức một dòng nước ngọt trong vắt phun lên. Từ đó, dân làng Phia Luông có đủ nước dùng.
Người dân địa phương cho rằng: cụ già đó chính là ông Tiên đã ra tay cứu giúp làng qua cơn hoạn nạn, nên gọi nguồn nước đó là Giếng Tiên. Sau này, người dân địa phương đã lập miếu thờ Tiên ngay cạnh giếng bên sườn đồi Đèo Giang - Văn Vỉ.
Vào ngày 18 tháng giêng hàng năm, ở chùa Tiên thường có lễ hội để tạ ơn các vị tiên đã giúp nhân dân trong những ngày gian khó và khấn Thần, Phật, cầu tài, cầu lộc cho một năm mới nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống an bình, hạnh phúc.
Lễ hội gồm nghi thức khai hội và phần lễ tế. Điều đặc biệt ở lễ hội Chùa Tiên là không được dâng món heo quay (lễ vật thường được dâng cúng ở các lễ hội khác).
Hội Chùa Tiên ngày nay mang tính chất là ngày hội cầu tài, cầu lộc, du xuân vãn cảnh. Chính vì vậy, lễ hội đã vượt khỏi khuôn khổ lễ hội làng. Nhiều du khách ở các vùng lân cận và các tỉnh miền xuôi nô nức đến trẩy hội.
Không chỉ thế, Chùa Tiên còn là danh lam thắng cảnh vào bậc nhất của thành phố Lạng Sơn. Năm 1992, Chùa Tiên đã được Bộ Văn hoá Thông tin đã xếp hạng di tích Quốc gia.
Tổng hợp từ internet
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét