(BQB) - Vùng núi Phong Nha – Kẻ Bàng được biết đến qua những trang sách lịch sử, địa chí dưới thời nhà Nguyễn.
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn trong phần tỉnh Quảng Bình có nói đến Núi Phong Gia: “Ở cách huyện Bố Chính 40 dặm về phía tây bắc, vách đá cheo leo, phía bắc kề sông cái, phía tây là núi Tiên Cốc (Hang Tiên)”.
Cũng theo sách trên, ở đây có động Thầy Tiên, lại có tên là động Núi Thầy, “lưng động dốc như vách, âm u sâu thẳm; trong động thạch nhũ rủ xuống, hoặc như cây hoa, hoặc như chuỗi ngọc. hoặc như tượng phật, hoặc như gấm vóc, phong cảnh thanh u... Triều trước phong sắc làm thần Hiển Linh, ban cấp cho đồ thờ, chép vào điển thờ, sau trải qua binh cách, bị bỏ lâu, đến năm Minh Mệnh thứ 5, gia phong thần Ưng Diệu”.
Tuy vậy, thám sát động Phong Nha một cách bài bản kèm theo những công trình nghiên cứu khá công phu được đăng tải phải kể đến những cuộc thám hiểm của người phương tây đầu thế kỷ XX. Bài viết "Một cuộc du ngoạn ở động Phong Nha" (Excursion aux de Phong Nha) của P. A (giáo sư P. Antoine) đăng trong Tạp chí Extreme Asie số 34 năm 1929 kể về cuộc thám hiểm Phong Nha kéo dài 4 ngày đêm trong động.
Theo P. Antoine đây là lần thứ hai ông tới động Phong Nha. Lần trước ông chỉ xem qua loa và chỉ mới đi vào được hai động bên ngoài theo bản đồ hướng dẫn của Madrolle và bản báo cáo của nhà thiên văn học người Anh, ông Barton tại sở Du lịch Huế. Như vậy trước chuyến thám hiểm lần hai này của P.Antoine đã có hai cuộc thám hiểm của người Pháp, ông Madrolle và của người Anh, ông Barton. Theo tài liệu sau này của ông Boufỉe cho biết thì ông Barton đã ở trong động suốt 14 ngày.
Trong bài viết của P.Antoine có những chi tiết đáng quan tâm. Trước hết là việc thờ cúng ở Phong Nha, P.A viết: “Trong gian thứ nhất, ở bên phải, dưới vòm hang có ba cái bàn thờ nhỏ như thường thấy ở trong các chùa khác. Nhiều tàn hương và giấy bạc rải rác trên mặt đất chứng tỏ rằng những vị thần của động này được nhiều tín đồ thờ phụng cúng bái. Vả lại động Phong Nha cũng được dân chúng địa phương gọi là chùa Hang. Ông từ giữ chùa ở cách đó 200 mét, trong một túp lều hẻo lánh giữa dãy đá hình bán nguyệt, trên hữu ngạn con sông”.
Cuộc thám hiểm của P.A lúc bấy giờ hết sức khó khăn, vất vả. Họ phải đi bằng bè và dùng đến hàng trăm bó đuốc. Chỉ có thám hiểm ba gian hầm theo tuyến chúng ta đi du lịch ngày nay họ phải mất 4 ngày đêm. Từ gian hầm số hai sang gian hầm số ba (theo cách gọi của P.A) chỉ dài 400 mét mà họ phải trải qua 3 giờ đồng hồ và dùng hết 50 bó đuốc. Ở gian hầm Khắc Chữ (lưu niệm) ngày nay ta gọi là Hang Bi Ký P.A đã khảo sát khá kỹ và ông đã bắt gặp những chữ Chàm được khắc trên đá ở một khe khá sâu không lối thoát. Tuy đã cố gắng tìm con đường thoát để tiếp tục cuộc du ngoạn nhưng cuối cùng họ chỉ có lối thoát duy nhất là quay lại theo hướng đông nam để ra cửa hang.
Tháng 5 năm 1929, ông M. Bouffier cùng các ông Charly, Pasqualaggi tổ chức một cuộc thám hiểm khác nhằm mục đích “tiếp tục cuộc thám hiểm trước chúng tôi đã đến nhưng phải dừng lại”. Theo Boufier, đoàn của ông không nghiên cứu sâu và chi tiết những điều đã được khám phá trước đây mà chính là tìm ra nguồn gốc con suối từ trong động chảy ra bằng cách theo con suối đó cho đến tận cùng để “cố gắng chứng minh giả thiết – có nhiều khả năng đúng đắn – cho rằng có một khúc suối lộ thiên nối liền với khúc suối ngầm trong động”, đó là con suối có tên là Rào Te nằm ở phía tây nam được ghi trên bản đồ hay không?
Cuộc thám hiểm của Boufier chỉ kéo dài trong 3 ngày nhưng phương tiện chuẩn bị khá đầy đủ. Đoàn của ông đi bằng hai thuyền độc mộc chở đầy các bó đuốc, 6 hộp các buya cung cấp chất đốt cho 3 cây đèn đất, nửa tá bao sáp, hai đèn bão thắp bằng dầu hỏa, 2 ngọn đèn điện, 1 chạy bằng máy điện, 1 chạy bằng pin (có 6 cặp pin dự trữ, mỗi cặp dùng trong 10 giờ). Đoàn của Boufier tiến vào sâu hơn lộ trình của P. Antone, theo như bản báo cáo thì ông đã vào hang số 4 nghe tiếng reo của một ngọn thác và đột ngột chảy xuống một ngọn suối. Ở đây họ gặp những cành cây trôi dạt nghi ngờ sự nối thông với một dòng suối lộ thiên bên ngoài nhưng họ cũng không thể đi đến ngọn nguồn. Ngày nay, với việc khảo sát của Hội Hang động Hoàng gia Anh thì việc chứng minh sông ngầm trong động Phong Nha là một hệ thống sông ngầm được nối thông với hệ thống sông suối lộ thiên là điều hiển nhiên nhưng những cố gắng của đoàn thám hiểm của Boufier tại thời điểm đó là một cố gắng lớn.
Ngoài Phong Nha, nhiều nhà thám hiểm cũng đã thám sát một số hang động trong dãy núi đá vôi Kẻ Bàng. Đáng chú ý là cuộc thám hiểm hang Đen (Trou Noir), nay gọi là hang Tối của E. Suluy. Theo ông, Hang Đen lúc đó nhiều người chưa biết đến nhưng dân làng Phường Chày, cũng như ngư dân hoặc người ở thuyền đi lại trên sông Troóc đều biết. Trong bài viết của E. Suluy “La Grotte du Trou Noir” đăng trên tạp chí Extrem- Asie số 63 năm 1930 ông đã kể tường tận cảnh quang của hang Tối mà ngày nay, khi chúng ta đưa tuyến du lịch này vào khai thác vẫn chưa thám sát hết được. Trong bài viết, Suluy cho biết, khi hoàng hôn buông xuống rất nhiều đàn vịt trời và vượn vào hang trú qua đêm và “một tiếng gầm thứ hai cũng khàn khàn và oai nghiêm như tiếng thứ nhất hình như ra lệnh cho tất cả yên lặng. Vịt trời và vượn đều im tiếng...”. Vào cửa hang, đoàn của ông tiến sâu vào bên trong họ bắt gặp nhiều dấu chân của thú dữ hổ, báo và gấu. Đến bãi cát có khe nước nhỏ (nơi mà ngày nay chúng ta chỉ đưa du khách đến đây) đoàn thám hiểm tiến sâu vào bên trong họ gặp những đống đất đá sụt lở to lớn, theo ông đó là loại đá vôi mềm pha đất sét.
Trong khung cảnh kỳ lạ và dễ kích động óc tưởng tượng, Suluy viết: “Người ta lúc nào cũng tưởng chừng xuất hiện đột ngột những cặp xương người sẵn sàng ôm nhau nhảy điệu vũ khúc thần chết của Siat Saens theo tiếng nhạc hỗn loạn của những hòn đá phát ra âm điệu và do một nhạc trưởng đánh nhịp...”. Và sau đó họ gặp những tảng đá phát ra âm thanh rung chuyển rất dễ sợp như Bản nhạc ma quái và Điệu vũ khúc của thần chết. Khác với cảnh quan tuyệt đẹp của những nhủ đá ở Phong Nha, ở hang Tối đó là bóng đêm và những âm thanh kỳ quái. Suluy viết: “Tôi nghe thấy những tiếng than thở kỳ quái, những tiếng rơi, những tiếng thì thầm. Xung quanh tôi, cảnh vật đang va chạm vào nhau, làm vang lên những tiếng động cụt ngủn... Bỗng nhiên một tiếng cười vang lên, inh ỏi và ngắn ngủn, như một tiếng lênh, theo sau là một giọng hát đều đều, vô cùng buồn bã, vừa chán nản vừa ngọt ngào. Điệu hát ấy tràn ngập tâm hồn chúng tôi dần dần như vuốt ve, đầu độc. Trong chốc lát điệu hát ấy hòa lẫn tiếng nước chảy, len vào bóng tối, than vãn, với những tiếng nức nở, rồi tan dần, biến vào đâu tôi không biết...”.
Theo mô tả của Suluy thì hang Tối là một hang động đầy bí ẩn, vì thế, ngày nay trong việc khai thác tuyến du lịch này những người quản lý du lịch ở Phong Nha – Kẻ Bàng cần phải có sự khảo sát thận trọng.
Đối với Phong Nha - Kẻ Bàng, công việc thám sát, hang động thiên nhiên luôn là đề tài hấp dẫn cho những nhà khoa học, những nhà thám hiểm đầu thế kỷ XX. Nhưng, không chỉ có vậy, những chủ nhân của vùng Phong Nha – Kẻ Bàng cũng là đối tượng nghiên cứu của họ. Đáng chú ý, trong đó có công trình nghiên cứu văn hóa của L. Cadiere với tác phẩm Những phong tục tập quán của người dân vùng thung lũng nguồn Son. Leopold Michel Cadier là một linh mục truyền giáo nhưng ông đã có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, lịch sử vùng đất Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung. Người ta ghi nhận ông là nhà Việt Nam học người nước ngoài đầu tiên để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Trong thời gian làm mục vụ ở xứ Cù Lạc ông đã nghiên cứu phong tục tập quán của người dân ở đây và đã viết công trình khảo cứu nói trên.
Đọc lại tập khảo cứu Những phong tục tập quán của người dân vùng thung lũng nguồn Son chúng ta thực sự ngỡ ngàng vì sự hiểu biết đến tường tận từng đời sống của người dân nơi đây mà nếu không có một sự thâm nhập vào đời sống và tâm tư của người dân thì không thể nào viết được. Từ phong tục thờ cúng thổ thần, đất đai đến việc sinh đẻ, đặt tên con đều được ông trình bày một cách tường tận. Những tập quán sinh hoạt trong dân gian như làm nhà, đóng thuyền, dựng cây nêu; dùng thành ngữ để chỉ thời gian cho đến những bài hát ru con, trò chơi đồng dao cho đến những tục kiêng cử trong đời sống hàng ngày đều được ông tập hợp một cách đầy đủ. Xin đơn cử một số phong tục, tập quán đã được Cadier nghiên cứu.
Những phong tục tập quán trong việc sinh đẻ được Cadier trình bày một cách có hệ thống. Đó là tục thờ Bà Mụ - vị thánh đỡ đầu người mẹ; tục xin quẻ trước khi đứa bé ra đời; tục xin sữa người đàn bà khác cho đứa bé bú những giọt sữa đầu tiên. Sau khi đứa con ra đời các phong tục kiêng cử như đổ phòng long, đi chợ mày xưa và đến việc đặt tên con đều được ông trình bày cụ thể từng chi tiết. Đọc Cadier, ta bắt gặp những từ ngữ xưa, không những người dân vùng sông Son mà các địa phương khác trong tỉnh sử dụng nay chỉ còn trong ký ức. Đứa bé đang ngủ người ta không nói ngủ mà nói “théc”; đứa bé ốm (đau) người ta không dùng từ đau mà dùng cụm từ “không nhỡi”; đứa bé chết người ta không dùng từ chết mà nói “hắn bỏ tui mà đi”... Cadier cho rằng, những người dân nơi đây họ yêu quý con từ thuở lọt lòng nên “sợ tất cả những điềm gở cho đứa bé mới sinh ra sau này hoặc cho những đứa còn sống”. Sự lo lắng của người mẹ (và cả của người cha) đối với đứa trẻ sơ sinh còn thể hiện ở việc đặt tên con sao cho dễ nuôi, đem “bán con” (gửi con) cho ông phó rèn, ông thầy phù thủy trong làng... tất cả những phong tục tập quán đó thể hiện một tình yêu sâu nặng đối với con trẻ, lo lắng đối vơi sinh linh bé nhỏ trong một điều kiện của những người nghèo khó “dễ sinh khó dưỡng”.
Khi đứa trẻ lớn lên, trong điều kiện nghèo khó, ngoài việc quan tâm đến sức khỏe người mẹ ở vùng nay còn quan tâm đến việc giáo dục tâm hồn trẻ thơ. Cadier viết: “Phàm những ai đã đến thăm đất nước An Nam, khi đi qua các xóm làng, thảy đều nghe những giọng hát ngân nga, âm điệu đôi lúc nhịp nhàng của người mẹ, người chị cả vừa hát vừa đưa võng ru đứa em nhỏ của mình. Trong những bài hát ru em đó, có nhiều câu thực sự có vẻ đẹp nên thơ. Tôi chỉ dẫn ra một ít câu, những câu rất ngắn nhưng rất đáng chú ý bởi những tình cảm hồn nhiên trong đó, của những tư tưởng trong đó, những câu hát thích hợp với đầu óc hiểu biết ít ỏi của đứa bé”. Ngoài những câu hát ru điển hình Cadier còn sưu tầm những trò chơi và những câu hát đồng dao của trẻ em vùng sông Son.
Trong công trình nghiên cứu này, Cadier còn trình bày những phong tục tập quán khác như phong tục ngày Tết, phong tục thờ cúng tổ tiên ông bà. Đặc biệt, đáng chú ý là những nghiên cứu của Cadier về cách dùng thành ngữ để chỉ thời gian của cư dân nông nghiệp, ngư nghiệp ở vùng sông Son. Vào thời đó người dân nơi đây không có đồng hồ để chỉ thời gian người ta dùng những thành ngữ để xác định thời điểm. Những thành ngữ chỉ thời gian này thường gắn liền với công việc đồng áng hàng ngày. “Bữa cày mai” chỉ khoảng thời gian buổi sáng; “Nửa buổi cày” chỉ khoảng 8 giờ sáng; “Khi đứng bữa cày” là cuối bữa cày khoảng 10,11 giờ; “Khi mở trâu cày”, “Khi lùa trâu về”... là những thời điểm xác đinh trong ngày. Ban đêm, xác định thời điểm là lúc “tắt mặt trời”, “buổi đỏ đèn”, “gà gáy đầu”, “gà gáy lại”, “gà gáy sáng”.
Đối với người làm nghề chài lưới thì thời điểm chạng vạng, rạng đông có ý nghĩa quan trọng như trong câu tục ngữ: “Tôm đi chạng vang/Cá đi rạng đông”. Việc xác định khoảng cách thời gian của người dân trong vùng cũng được ông nghiên cứu như “Đi khoảng chừng một nồi cơm là đến”, “Hút một điếu thuốc đến nơi chơ mấy” là nói đến khoảng thời gian nấu chín một nồi cơm, hút hết một điếu thuốc. Hoặc như nói “Ở đây ra bến, hai vai là đến” là nói khoảng thời gian đi phải trở vai khi gồng gánh.
Những nghiên cứu của L. Cadier về phong tục tập quán của cư dân vùng thượng nguồn sông Son cho ta hiểu rõ hơn những chủ nhân bản địa của Phong Nha – Kẻ Bàng và từ đó có chiến lược phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới này một cách bền vững.
Theo Báo Quảng Bình
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét