Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Làng nổi Tân Lập

(BCT) - Làng nổi Tân Lập – một địa danh không phổ biến lắm trên bản đồ du lịch – nằm trên đất Đồng Tháp Mười, thuộc tỉnh Long An. Vùng đất lạ ngay trong lòng đồng bằng Nam bộ này thu hút khách bởi rừng bạt ngàn và thiên nhiên hoang dã.

Làng nổi Tân Lập nằm ở vùng Kiến Tường - Mộc Hóa, thuộc tỉnh Long An, sát với biên giới Campuchia, có dòng sông Vàm Cỏ Tây đi ngang trước khi hợp nhánh vào sông Vàm Cỏ đổ ra biển. Nghe địa danh này, người ta nghĩ ngay đến một vùng đất xa xôi bạt ngàn rừng tràm và những sân chim rộng lớn. Đồng Tháp Mười cùng với vùng tứ giác Long Xuyên là hai vùng trũng, hai túi trữ nước khổng lồ cho cả vùng ĐBSCL, tạo nên hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Tên là Đồng Tháp Mười nhưng diện tích phân bổ có đến 80% nằm trên đất Long An, còn lại nằm trên đất Đồng Tháp.

Làng nổi Tân Lập cách cửa khẩu Bình Hiệp khoảng 5 cây số, nay đã được xây dựng khang trang nên dễ dàng nhận diện khi đi ngang qua. Gần đây, địa phương đầu tư phát triển cho khu du lịch, tạo điểm đến đặc trưng và độc đáo, tạo sự phong phú cho sản phẩm du lịch ở Tân Lập. Đến nơi, chúng tôi trả 120.000 đồng cho một chuyến xuồng vào rừng.
Có hai lựa chọn là xuồng chèo và vỏ lãi. Xuồng xuôi dòng theo Rạch Rừng đi qua những trảng sen, trảng súng trước khi đến bến cạnh một tháp canh cao gần 40 mét. Rạch có rất nhiều cá nên chim cò, cồng cộc… tụ về đây rất nhiều để tìm thức ăn. Trên đường đi, người chèo xuồng kiêm luôn hướng dẫn, giải thích tận tình, tỉ mỉ về địa danh cũng như căn dặn việc bảo vệ môi trường, tránh làm tổn thương hệ sinh thái.

Do đây là rừng tràm quanh năm ngập nước nên đường bê tông được xây dựng trên mặt nước đi xuyên qua những cánh rừng tràm xanh mướt. Khu du lịch được xây dựng tại khu bảo tồn rộng 635 ha; trong đó, có khoảng 500 ha vùng đệm. Tràm được bảo vệ và trồng thêm suốt hơn 10 năm nay tạo nên một mảng xanh mênh mông nổi lên giữa đồng bằng. Vào mùa nước nổi, đồng ruộng xung quanh ngập chìm trong nước. Đứng trên cao nhìn xuống, làng nổi Tân Lập như chiếc bè xanh khổng lồ nổi bập bềnh hay như một hòn đảo xanh thẳm giữa biển nước. Nhưng đó không phải là xuất xứ của tên làng nổi.

Theo giải thích của người dân địa phương, từ lâu vùng này quanh năm ngập nước nên cư dân đã quen “sống chung với lũ”, xây dựng nhà trên những cọc gỗ cao lêu khêu. Ngày nay, trong khu du lịch không còn cư dân sinh sống. Khi phát triển du lịch, trong đề án xây dựng làng nổi, địa phương cho phục dựng lại những ngôi nhà này. Hiện nay, nhà “cao cẳng” chỉ mới được xây dựng ở khu đón tiếp chứ chưa được xây dựng trong rừng. Trong tương lai, khu du lịch này có đến 11 khu chức năng làm nơi di trú cho động vật hoang dã, bảo tồn tự nhiên, khu vực giáo dục môi trường…

Đến làng nổi Tân Lập, điều thú vị là được đi trong rừng tràm xanh thẳm với mênh mông là tràm. Con đường uốn quanh cũng lẩn khuất trong màu xanh bạt ngàn ấy. Thỉnh thoảng đi đến đầu con mương, du khách được nhìn thấy hai vạt rừng tràm song song chạy dài đến huốt tầm mắt. Bóng tràm, bóng mây in trên mặt nước tạo một bức tranh lung linh hoàn mỹ, khó phân biệt đâu là hư, đâu là thực. Theo lối dẫn của con đường quanh co ấy, du khách đi hết vạt rừng này đến vạt rừng khác.

Đi mải miết mới tới được tháp canh cao 18 mét nằm chơi vơi giữa trời. Lên tháp canh này, du khách chỉ nhìn thấy được một phần của rừng tràm. Muốn nhìn được toàn cảnh, phải lên tháp canh cao 38 mét. Những tháp canh này vừa là nơi để canh lửa, định hướng vùng cháy để kịp thời chữa cháy hiệu quả, vừa là nơi để du khách phóng xa tầm mắt, thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên của rừng tràm. Cũng từ vị trí này, mỗi sáng, mỗi chiều, du khách sẽ chứng kiến từng đàn cò trắng muốt, từng đàn cồng cộc đen huyền có đến vài trăm con bay về một phía rừng. Đó là lúc chúng túa ra đi tìm thức ăn hoặc trở về sau một ngày lặn lội.

Làng nổi Tân Lập khá yên tĩnh, thích hợp cho du khách nghỉ dưỡng, trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên hoang dã và giáo dục cho trẻ con biết yêu quý thiên nhiên, ý thức bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước còn sót lại. Dịch vụ lưu trú chưa được khai thác nên du khách có thể mang theo lều trại để nghỉ lại tại khu du lịch hoặc ở nhà nghỉ, khách sạn tại thị xã Kiến Tường, cách đó khoảng 5km. Giá cả ở đây khá bình dân. Bình quân mỗi người nghỉ đêm chỉ khoảng 50.000 - 60.000 đồng, phòng có máy lạnh và nước nóng. Người dân còn giữ nét quê chân chất, rất nhiệt tình và hiếu khách.

Theo Thanh Nhàn (báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét