Đã lâu mới có dịp quay lại trường xưa, điều làm tôi bất ngờ là xe hàng bò bía ngọt vẫn còn đó, người bán hàng có già đi nhưng vẫn nụ cười ấy, vẫn đôi bàn tay ấy làm nên món quà vặt mà khi xưa vốn là thứ quà xa xỉ đối với bọn học sinh chúng tôi.
< Những cuốn bò bía ngọt ngoài Bắc, trong Nam cũng không khác gì nhau: đều chứa ăm ắp một tuổi thơ.
Hồi xưa, khi còn là học sinh cấp III, mỗi lần được nghỉ giữa giờ chúng tôi lại gom tiền của nhau rồi cử một bạn trong lớp chạy ra cổng trường mua bò bía ngọt.
< Những thanh mạch nha ngọt dịu và giòn tan.
Đất phương Nam phổ biến món bò bía mặn, cuốn rau, tôm chấy, thịt... và gia vị như một cái nem rồi chấm trong nước chấm cay mặn. Còn thứ bò bía mà chúng tôi ăn là bò bía ngọt chỉ xuất hiện trên đường phố ngoài Bắc chứ cũng không có trong các cửa hiệu, nhà hàng như bò bía mặn.
Nghe tên gọi thì có vẻ quen thuộc nhưng thực tế bò bía ngọt hình như ít phổ biến dù cách làm rất đơn giản. Nguyên liệu chỉ cần bánh tráng làm từ bột mì, ít dừa nạo, thanh kẹo mạch nha, thêm chút xíu vừng đen là đã có thể làm ngay một món quà vặt lý tưởng.
< Các nguyên liệu được đặt lên bán tráng...
Bò bía là món cuốn theo phong cách ẩm thực Triều Châu (Quảng Đông) và Phúc Kiến, Trung Quốc, hiện phổ biến ở Đài Loan, Singapore và Malaysia. Tại Phúc Kiến, món này thường dùng ở Hạ Môn, còn ở Quảng Đông, món ăn phổ biến tại vùng Triều Sán ở phía đông của tỉnh trong lễ thanh minh.
Bò bía có hai loại, bò bía ngọt và bò bía mặn. Tại Việt Nam, món này do các di dân Triều Châu du nhập vào và có sự biến tấu đôi chút để phù hợp với khẩu vị của người Việt.
Bác bán hàng rủ rỉ người Nam Định thì có phở, người Hà Nam rao bán bánh mì, người Gia Lâm với gánh hàng ổi, còn người Vĩnh Phúc quê bác không có thứ gì nổi tiếng nên quanh năm chỉ biết gắn bó với gánh hàng bò bía ngọt.
< Rồi được cuốn lại một cách điệu nghệ...
Nhưng điều đặc biệt đối với bọn tôi hồi đó là món bò bía ngọt của bác có gì đó rất lạ với các gánh hàng khác, không rõ nhưng đủ "hút hồn" hết cả đám. Giờ quay trở lại mới vỡ lẽ đó là do nguyên liệu làm bò bía ngọt ấy đều là tự làm thủ công, không như những gánh hàng khác nhập từ lò xưởng về.
Bò bía ngọt muốn ngon cần dừa thật già, cho cùi thật giòn, bùi, béo. Hai cái vỏ bánh tráng xếp xéo lên nhau, một lớp dừa nạo sợi, hai thanh kẹo mạch nha giòn tan, mấy hạt vừng đen, người bán hàng cuộn tròn cái bánh lại và người ta chỉ việc cầm miếng bánh trắng trẻo, xinh xắn ấy mà cắn, mà nghe thanh kẹo giòn vụn trong miệng.
Các mùi vị hòa lẫn trong nhau. Vị bùi béo của cơm dừa, vị ngọt đậm của kẹo mạch nha và chút mềm dai của miếng bánh tráng bọc bên ngoài làm mất đi cái ngọt của món ăn. Người ta gọi một lại muốn gọi hai, cứ thế ăn cho tới no chứ không thấy chán. Ăn đến đâu sẽ cảm nhận được các mùi vị hòa lẫn với nhau đến đó.
Có những cái chẳng ầm ĩ, chẳng ồn ào, cũng chẳng đắt tiền mà làm nên niềm luyến nhớ. Thời gian trôi đi nhưng chẳng thiếu vắng những chiếc xe đạp mà từng vòng quay chậm rãi của nó lại mang tới những món quà bình dị thân thương nhất để rồi người ta lại muốn trở về, được lục tung túi để lấy mấy đồng tiền lẻ đổi lấy miếng bò bía ngon ngọt, thấm đượm tâm hồn.
Theo Thảo Nga (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét