Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Đường mới Mường Lát, Sài Khao

(ANTĐ) - Mường Lát theo tiếng Thái có nghĩa là “nơi nước tràn qua”, bởi mùa mưa ở đây, nước từ các con suối đổ về, tràn qua các làng bản rồi đổ vào lòng sông Mã, gây ra nhiều trận lũ dữ.

< Đường Mường Lát - Sài Khao - Mai Châu giờ rải nhựa phẳng lỳ.

Sương vẫn lấp ở Sài Khao mỗi sớm nhưng đường đến Sài Khao không còn xa như trong thơ Tây Tiến.
Đường Mường Lát – Mai Châu trên con đường Tây Tiến xưa còn nguyên nét hoang sơ, đón chân du khách bằng cảnh đẹp nên thơ khiến người ta quên đi những khó khăn. Con đường nối từ cửa khẩu Tén Tằn, Mường Lát với Quốc lộ 15 tại ngã ba Quan Hóa rồi xuôi theo tuyến Quốc lộ về Mai Châu giờ mới được rải nhựa phẳng phiu. Những chặng đèo dốc, cua tay áo chỉ như góp phần tô điểm thêm cho một vùng không gian xanh thẳm và hùng vĩ của núi rừng Tây Thanh Hóa.

Cửa khẩu Tén Tằn dù chỉ là một cửa khẩu nhỏ nhưng lại có sức hút riêng bởi con đường xưa Tây Tiến đã trở thành huyền thoại. Cách thị trấn Sầm Nưa của nước bạn Lào chỉ hơn 50 cây số, Tén Tằn là điểm nối quan trọng trên con đường Tây Tiến. Đó là nơi trước kia tại thị trấn Sop Hao cách đó vài cây số, thực dân Pháp phải cho xây dựng những đồn lũy, phòng tuyến kiên cố để ngăn chặn bước chân của đoàn quân Tây Tiến đi qua.

Sương vẫn lấp ở Sài Khao mỗi sớm nhưng đường đến Sài Khao không còn xa như trong thơ Tây Tiến. Dòng chảy bất tận của Sông Mã dường như thêm xanh ngút ngàn, thăm thẳm với những rừng tre rậm rạp ngả bóng xuống con đường.

Đỉnh Pha Luông cao vợi nhìn xuống dòng sông uốn lượn thung sâu. Đứng trên đỉnh núi hùng vĩ, lữ khách có thể thu vào tầm mắt núi non trùng điệp. Bao quanh các bản là những nương lúa, nương ngô, trải từ sườn đồi nọ đến sườn đồi kia.

Cách thị trấn Hồi Xuân trên đường Quốc lộ 15, trung tâm huyện Quan Hóa chừng 2 cây số còn ghi lại rất rõ những dấu chân người định cư nơi đây từ vài trăm năm trước. Trong đó, đánh dấu điểm cuối của con đường về xuôi là hang Ma mang màu huyền bí. Hang Ma là một nghĩa trang nổi tiếng của người Thái ở cách đấy không xa. Lọt giữa hai ngọn núi hùng vĩ, hang Ma dài hơn 500m nằm trên một địa thế hiểm trở. Đây cũng là nơi từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt thời xa xưa.

Tuy nhiên, hình thức mộ táng bằng thân cây lớn khoét rỗng của người Thái cổ mới chính là điều làm nên không khí rờn rợn ở hang Ma. Trong hang, những áo quan đẽo từ thân cây thành hai mảnh úp lại xếp ngổn ngang, ánh sáng buổi chiều chiếu qua những hốc đá tạo thành một khung cảnh huyền bí. Cửa hang nhìn ra một ngọn núi và dòng sông Mã uốn lượn phía dưới. Đến tận ngày nay, hang Ma vẫn được người Thái quan niệm là mảnh đất của thần linh. Cửa hang nằm khuất sau những tán cây rừng rậm rạp giữa sườn núi Pa Cáng.

Từ Hồi Xuân, Quốc lộ 15 qua Co Lương về bản Lác, Mai Châu đẹp mơ mộng. Cảnh sắc thanh bình với bản làng trù phú, khói lam chiều vương trên những nóc nhà sàn phất phơ theo nhịp gió đưa du khách dần hòa vào không gian ẩn hiện giữa núi mây mờ ảo.

Theo Vũ Thanh (báo An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét