(TTCT) - Khi biết tôi muốn đến làng Chuồn - ngôi làng lớn ở xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, nhiều người ở TP Huế đã nhắc tôi phải rất ý tứ, kẻo làm phật lòng người dân ở ngôi làng “có cá tính” này.
Những di sản lớn
Làng Chuồn chỉ cách TP Huế chừng 7km theo đường mới mở. Qua khỏi cầu Vỹ Dạ rồi qua tiếp những khu phố mới một quãng, cảnh trí vùng nông thôn Phú An hiện ra với ruộng lúa ngát xanh, xóm làng trù phú, kề bên là đầm Chuồn bao la với nò sáo cắm dày.
Làng Chuồn có tên là An Truyền, nhưng xưa nay người ta vẫn quen gọi làng Chuồn. “Đến làng Chuồn phải thăm đình trước đã. Không thăm đình thì có đến làng Chuồn cũng coi như chưa đến” - trưởng thôn Đoàn Rô nói khi đưa tôi đến ngôi đình cổ rộng đến 420m2, với 80 cột chia làm bảy gian.
Đây là một tiêu mẫu kiến trúc độc đáo của đình làng thời nhà Nguyễn, còn khá nguyên vẹn đồ trang trí, thờ tự từ ngày xưa lưu lại.
Đình lớn bởi làng Chuồn là một làng giàu. Trưởng làng Hồ Văn Lạp cho rằng ngôi đình xếp hạng di tích cấp quốc gia này được làm lại thời nhà Nguyễn, khi dân làng sau hàng trăm năm định cư đã hưng vượng lên nhiều. “Trong số bốn tộc Hồ, Nguyễn, Đoàn, Huỳnh có công khai lập làng, họ Hồ đã làm làng Chuồn trở nên có tiếng tăm vì có nhiều người đỗ đạt cao, làm quan lớn tại triều” - ông Lạp nói.
Những tư liệu ở làng cho thấy cụ Hồ Đắc Tuấn đỗ cử nhân thời Tự Đức, có con trai là cử nhân Hồ Đắc Trung (1856-1939) làm đến thượng thư bộ Học, bộ Lễ, bộ Công, có con gái là chánh phi của vua Khải Định. Các tiến sĩ y khoa Hồ Đắc Di, tiến sĩ luật khoa Hồ Đắc Điềm, tiến sĩ dược khoa Hồ Đắc Ân, sư bà Diệu Không đều là con cụ Hồ Đắc Trung.
“Câu ca Ai to gan về làng Chuồn không biết có từ thời nào. Nhưng người làng Chuồn được người các nơi cho là ngang tàng, khí khái, thậm chí là hung hãn có lẽ cũng vì người làng Chuồn thấy người làng mình giỏi giang, có nhiều danh gia vọng tộc, có người là quan đại thần ở triều” - cụ Đoàn Bợt, 87 tuổi, vị chánh tế của làng Chuồn, lý giải.
Nhiều người có tuổi tác ở đây đều biết ngọn nguồn cuộc nổi dậy lật đổ vua Tự Đức mà dân gian quen gọi là “loạn chày vôi” (hay “giặc chày vôi”) do ba anh em ruột người làng Chuồn là Đoàn Trưng, Đoàn Trực và Đoàn Ái khởi phát hồi năm 1866. Cuộc nổi dậy thất bại, ba anh em bị xử tử.
“Người bên ngoài kiêng nể người làng Chuồn có lẽ một phần cũng vì họ thấy cái gan dạ của người làng Chuồn qua cuộc nổi dậy của ba anh em nhà họ Đoàn” - cụ Bợt nói.
Năng động làm ăn
< Một góc đầm Chuồn.
Với 1.100 hộ, nhà cửa ở làng Chuồn giống phố bởi có đến 40% nhà ở đây là nhà lầu. Nhưng “phố làng Chuồn” buổi mai khá vắng lặng, trừ chợ làng là đông người. “Từ 4g-5g sáng, người ở đây đã kẻ xe đạp, người xe máy, chở cá, chở bánh bao, chở rượu đi bán xa bán gần, đến trưa đến chiều mới về. Dân ở đây xưa nay lo chuyện làm ăn ghê lắm” - một bà cụ nói.
Nghề truyền thống số 1 ở đây là buôn bán cá với 70% số hộ có người theo nghề này. Cá tôm đánh bắt trên đầm Chuồn phần được bán ở chợ làng, bến làng, phần được đưa lên phố Huế và cả nhiều nơi trong tỉnh. Làng Chuồn còn nổi tiếng với một loại rượu ngon được người xa kẻ gần quý chuộng, là sinh kế của hàng trăm hộ trong làng.
< Làm bánh bao - một nghề mới ở làng Chuồn.
Buổi chiều làng Chuồn rộn ràng hơn. Hơi mù bốc lên từ đầm nước quyện với khói bếp tỏa ra trông thật ấn tượng. Sau buổi mai đi bán, buổi chiều về kẻ nấu bánh tét, hấp bánh bao, người nấu rượu. Các quán ăn ở chợ ở đầm thì lo đón khách. Buổi chiều, buổi tối bếp ở làng Chuồn rậm lửa.
“Làng Chuồn mình xưa đã giàu. Chừ mình muốn làm giàu thì phải nỗ lực nhiều lắm. Phải bung ra, phải mềm dẻo, phải biết kinh tế thị trường cần cái chi, mình phải làm răng để có thu nhập đàng hoàng, tử tế. Mừng là dân mình đã làm được. Làng mình chừ chỉ còn 5% hộ nghèo” - trưởng thôn Đoàn Rô nói.
Theo Huỳnh Văn Mỹ (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)
Du lịch, GO!
Đầm Chuồn đêm ngàn sao
Dân dã bánh xèo cá Kình làng Chuồn (Huế)
Bánh chưng Nhật Lệ, bánh tét làng Chuồn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét