(ANTĐ) - Đến địa giới tỉnh Sơn La, ngoặt vào con đường đi qua xã Cà Nòi, huyện Mai Sơn, vượt đèo Cà Nài khoảng 15 cây số, con đường trải nhựa phẳng lì, gió nhẹ dưới nắng xuân, hai bên đường là những nương ngô xanh bát ngát, hoa gạo đỏ rực làm cho du khách có cảm giác thư thái, thanh mát hòa quyện vào một cảnh quan thanh bình no ấm. Đặt chân đến Bản Đán, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, leo lên lưng chừng núi Chi Đảy là một thắng cảnh kỳ thú còn hoang sơ, món quà quý thiên nhiên ban tặng cho Sơn La, đúng như tên gọi “Yên Sơn đệ nhất động”.
Theo người già kể lại: Bản Đán vốn khi xưa là một vùng cực kỳ hoang sơ, nơi định cư của người Thái. Cuộc sống của họ đang làm ăn yên ổn thì bỗng một ngày trời nổi cơn giông tố, gió mạnh cuốn đi không biết bao nhiêu nóc nhà, con người phải kéo nhau vào rừng trú ẩn.
Cùng với sự phẫn nộ của trời đất, Bản Đán xuất hiện một con voi trắng khổng lồ, hung dữ xông đến giày xéo phá hoại nương lúa, nương ngô, cuộc sống của bản làng. Trai tráng trong làng hò nhau đi giết voi. Nhưng con voi quá khỏe, dùng chiếc vòi mạnh mẽ vung lên quật chết hết thanh niên trong bản.
Đến khi người dân tuyệt vọng, chỉ còn biết kêu trời. Tiếng kêu động đến cửu trùng, cả bản rung chuyển, và một ngọn núi đùn lên. Trong lòng núi là một hang to, cao, rộng. Con voi trắng kinh hoàng hoảng sợ, chạy trốn vào hang sâu, không thấy trở ra nữa. Người dân bản cho rằng, hang động mọc lên là hung thần, do các vị thần tiên sai xuống hạ giới giúp dân làng chống kẻ thù “bốn chân”. Cuộc sống người dân trở lại yên ổn làm ăn. Dân làng đặt tên cho hang là Chi Đảy.
Cũng có một cách giải thích khác, từ xa xưa xung quanh việc xác định chủ quyền của vùng đất này, qua một cuộc thi bắn cung, mũi tên của dân tộc nào bắn được vào vách đá, sẽ là người thắng cuộc. Người Xá có kỹ thuật đúc đồng, nên dùng tên bằng đồng. Tuy nhiên, đồng gặp tên đá bị bắn ra. Người Thái dùng tên tre bôi sáp ong, khi bắn tên dính vào vách đá. Khi thắng cuộc, họ sung sướng ôm nhau reo lên “Chi Đảy! Chi Đảy!...”. Tức là người dân đến hang cúng lễ, cầu được ước thấy đúng như tâm nguyện của mình.
Đặt chân vào hang, du khách được chiêm ngưỡng nhiều hình thù kỳ bí, những hình tượng Phật đủ mọi tư thế. Vào sâu khoảng 100m là hang Thẳm Lượm, có khối đá trắng với hàng trăm dải nhũ đá rủ xuống, hình thù giống như con voi trắng khổng lồ. Mỗi khi ánh sáng chiếu vào, khối đá ánh lên tia sáng lấp lánh 7 màu sắc cầu vồng... Trong hang còn có nhiều cột đá cao đến tận trần hang. Thân cột trạm khắc những hình nét hoa văn mô phỏng những bức tranh tĩnh vật sinh động như: đĩa hoa quả hình quả na, con sứa khổng lồ, cánh đồng ruộng bậc thang…
Hang Chi Đảy có 4 hang lớn, ngăn cách nhau bằng khe cửa, mỗi hang trông giống như “căn phòng” của tiên nữ giáng trần trú ngụ. Hang Chi Đảy, như một báu vật tự nhiên ban tặng cho người dân Sơn La, bức tranh sống động về hiện thực của núi rừng Tây Bắc, một di tích văn hóa, lịch sử, điểm đến của những người thích tìm về cội nguồn.
Theo An Ninh Thủ Đô
Travel79.net
Những hang động độc đáo trên núi Chi Đảy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét