Trên đường từ thành phố Lào Cai đi Sapa, qua đoạn cầu 32, khi còn cách phố núi khoảng 6 km thì một đỉnh núi hùng vĩ hiện ra trước mắt khiến du khách choáng ngợp. Đó là đỉnh Hàm Rồng cao 1.800 m so với mực nước biển với hình dáng uốn lượn “rồng cuộn hổ ngồi” giữa thiên nhiên sương mù bao phủ.
Từ đỉnh núi huyền thoại này, du khách có thể ngắm thung lũng Tả Phìn, Mường Hoa ẩn hiện dưới lớp sương khói cùng những dãy núi trùng điệp phía xa xa.
Ngọn núi này mang tên Hàm Rồng bởi chính hình dáng một chú rồng mà đuôi gác lên Cổng trời, giáp với xã Hầu Thào và Sa Pả, phần đầu nằm ngay thị trấn Sapa. Nếu quan sát kỹ hơn sẽ thấy “hàm răng rồng” khổng lồ hướng về phía tây nam đỉnh Hoàng Liên Sơn.
Núi Hàm Rồng có sự tích được người dân khắp vùng kể lại rằng: Cách đây từ rất lâu, khi mà lãnh địa mênh mông này mọi sinh vật đều sống hỗn độn trong bùn đất. Vào thời khai thiên lập địa, Ngọc Hoàng ban sắc lệnh: Tất cả mọi sinh vật còn sống sót trong bùn lầy hãy tự lập lấy địa phận của mình.
Lệnh vừa ban, các loài sinh vật tranh nhau chỗ ngụ cư; lúc đó còn lại ba anh em nhà Rồng đang sinh sống trong cái hồ lớn, được tin này nhìn sang hướng đông đã bị chiếm hết chỗ. Ba anh em chạy về hướng Tây còn rộng hơn giành được địa phận cho mình.
< Đường dẫn vào khu 12 con giáp.
Hai người anh lớn khoẻ nên chạy nhanh hơn, ở đó chờ người em. Vì yếu nên người em chạy chậm, không nhìn thấy hai anh, nên đã lạc vào đám đông toàn là sư tử, hổ, báo, gấu… đang giành nhau địa phận. Nhìn thấy đám sinh vật quái ác kia, người em sợ quá rùng mình, co người, há mồm để tự vệ.
Vừa lúc đó lời ban của Ngọc Hoàng đã hết thời hạn, thân hình người em út nhà Rồng hoá thành núi đá, có dáng đầu ngẩng cao, mồm há, nhe răng. Và hai người anh nhà Rồng cũng hoá thành đá, hình dáng đó vẫn còn cho tới ngày nay.
Giờ đây, nếu ta đứng ở Sâu Chuô (xã Sa pả) quan sát sẽ thấy rất rõ hình ba dãy núi nhỏ giống như ba con Rồng trên khu núi Can hàng. Hai con quay về hướng Lào Cai, đó là hình ảnh hai người anh nhà Rồng. Một con nhìn sang dãy Hoàng Liên Sơn, đó là hình ảnh người em nhà Rồng. Còn cái ao tiếng địa phương gọi là “Pangl Kruôr” nơi ba anh em nhà Rồng trước đây ở nay là khu Lam Đường.
Với người địa phương, truyền thuyết về núi Hàm Rồng tựa như một chuyện thật: và được linh thiêng hoá như một vị thần, có công tạo nên dãy núi Can Thàng ngày nay. Đã từ lâu, mỗi khi Tết đến, các bậc già làng, trưởng họ ở địa phương xung quanh đều mang lễ vật đặt vào trong hàm con rồng cúng Thổ thần.
Khi ghé Sapa, du khách thường dành nửa ngày để khám phá đỉnh núi này. Các bậc thang bằng đá dài đưa ta vào không gian núi rừng thoáng đãng và tiếng chim muông hót vang. Dọc đường đi là những chiếc xích đu đẹp mắt để bạn có thể nghỉ chân. Vườn lan với đủ chủng loại từ khắp dãy Hoàng Liên Sơn tụ tập về đây khoe sắc.
< Sapa nhìn từ đỉnh Hàm Rồng.
Du khách muốn lên núi Hàm Rồng phải qua Cổng trời Một, sau đó qua Cổng trời Hai, đi tiếp mới đến đỉnh núi Đầu Rồng. Trên đó có nhiều cảnh quan rất đẹp, với nhiều hang động, núi đá nhấp nhô trông rất ngoạn mục, lý thú. Khách cũng có thể thăm làng văn hóa dân tộc khi trải nghiệm đỉnh Hàm Rồng để thưởng thức những điệu múa truyền thống dân tộc Mông, Sán Chải, Dao. Cổng trời 1 và cổng trời 2 dẫn du khách luồn qua những vách đá hoang sơ, đứng trên những mỏm đá cao, phóng tầm mắt ra xung quanh để cảm nhận thiên nhiên hùng vĩ.
Đừng bỏ qua địa điểm chòi ngắm, vách đá cao, được xây dựng kiên cố ở Hàm Rồng để từ đó toàn cảnh Sapa, thung lũng Tả Phìn, Mường Hoa ẩn hiện dưới lớp sương khói. Những ngày xuân mới, lựa chọn một chuyến đi chinh phục núi cao và ngắm Sapa sương mù từ độ cao 1.800 m sẽ là một trải nghiệm thú vị.
Travel79.net
Trò chuyện với rồng đá nơi núi Hàm Rồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét