(TTO) - Không chỉ có khách viếng thăm vào mùa nắng, thác Trắng (thuộc huyện miền núi Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn được dân “phượt” tìm đến vào mùa mưa. Có lẽ bởi nơi đây quá hấp dẫn!
Thác Trắng nằm cách thành phố Quảng Ngãi chừng 23km về hướng tây nam thuộc địa bàn xã Thanh An, huyện Minh Long. Nơi hoang sơ này đang là điểm đến của nhiều người trong những ngày hè cuối tuần và cũng là một địa điểm hấp dẫn đối với dân “phượt”.
Chúng tôi đến thác Trắng vào một ngày mưa, không được thuận lợi như lúc có ánh nắng chói chang, nhưng được nhìn thấy thác Trắng cùng cơn mưa rừng, chợt nhận ra kế hoạch chiêm ngưỡng “mùa mưa thác Trắng” không phải là... điên rồ lắm!
< Trên đường vô thác Trắng, con đường làng mới san ủi khoảng 7 km vẫn con giữ vẻ hoang sơ với rải rác nhà sàn đồng bào Hrê.
Để đến với địa điểm du lịch hoang sơ này, du khách sẽ vượt qua đèo Eo Gió nằm tiếp giáp giữa huyện Nghĩa Hành và Minh Long. Càng đến gần địa bàn huyện miền núi Minh Long, quang cảnh cũng bắt đầu thay đổi dần với những rẫy chè, nương sắn, thửa ruộng của đồng bào H’rê hai bên đường.
Điều đầu tiên gây khó khăn cho chúng tôi là đường lên thác vừa dốc lại nhiều sỏi đá, xe máy không tài nào leo lên nổi, đành để lại dưới chân núi. Mọi người vừa lội bộ vừa xách thức ăn, nước uống lỉnh kỉnh, bởi vì đây là miền núi nên không bán đồ ăn vặt.
Trên đường, chúng tôi bắt gặp đôi mắt ngây thơ của em bé người dân tộc H’rê (thôn Tam La). Ở đây đa số trẻ em 4-6 tuổi không đi học mẫu giáo và không biết nói tiếng Việt.
Khi chúng tôi cười thật tươi để chào hỏi cô gái H’re đang gùi lá môn rừng về nhà, cô bước vội vã và không có ý định chào lại. Đem thắc mắc hỏi em Xong (lớp 11 Trường THPT Minh Long) mới biết rằng đồng bào H’re có quan niệm: dù cùng là đồng bào H’re nhưng nếu không quen biết thì không được chào hỏi.
Thời tiết Quảng Ngãi “nhõng nhẽo” với những cơn mưa đám mây chợt đến chợt đi như muốn thử thách sự nhẫn nại của du khách... Từ trên cao nhìn xuống, chúng tôi bắt gặp những chòi lá đơn sơ nằm lọt thỏm trong rừng xanh - đó là nơi nghỉ ngơi của những người chăn trâu, trông rẫy.
Nỗi kinh hoàng của mọi người có lẽ là lũ vắt. Vắt rừng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, hễ mưa là nó nhảy ra, nghe có mùi máu hay tiếng động là chúng “tung” mình bám vào đối tượng. Rất may trong chuyến đi, chúng tôi đã quen một “hướng dẫn viên nhí” đầy kinh nghiệm, lại nhiệt tình là cô bé người dân tộc H’re Đinh Thị Xong. Cô bé bày chúng tôi cách quăng một cành cây trước để vắt bám vào đó hoặc chạy thật nhanh, không nên đứng lại khi vào đoạn đường rừng có nhiều cây cối, tốt nhất là lấy dây thun buộc ống quần lại để vắt không thể chui vào...
Đặc biệt, nếu đi vào mùa mưa các bạn không nên chui vào bụi cây hoặc tán lá cao vì dễ bị vắt bám, nên đứng giữa trời mặc áo mưa vào. Có thể tránh vắt bằng cách bôi cao nóng, khi bị vắt cắn có thể dùng các biện pháp như: lấy bật lửa đốt, dùng cao bôi vào con vắt, hoặc dùng muối ớt chấm vào nó...
Muốn đến gần với thác Trắng hơn nữa, chúng tôi phải vượt qua những con suối. đây không phải là chuyện dễ dàng, lại đang mùa mưa nên nước chảy xiết. Mọi người không tài nào qua được nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình của “hướng dẫn viên nhí”. Em Xong học lớp 11 nhưng em vẫn chưa một lần lướt net, đến nay vẫn chưa biết bốn khối thi đại học gồm những môn nào!
Nhìn đôi mắt đẹp buồn buồn của em, tôi hiểu điều em nói, bởi mỗi sáng em phải đạp xe hơn 7km để đến trường với ước mơ giản dị được trở thành cô giáo, nhưng điều đó đối với cô bé còn nhiều thiếu thốn như em thật quá khó khăn...
Vượt qua bao nhiêu “cửa ải”, chúng tôi đến với thác Trắng lúc mưa rừng đang xối xả. Thác cao khoảng 40-50m. Từ trên cao, nước chảy xuống trắng xóa như đang trang trí cho sườn núi đá dốc đứng. Dưới chân thác có hồ nước sâu tự nhiên rộng hàng trăm mét vuông, xanh biếc và mát lạnh.
Đứng gần thác Trắng, tôi cảm nhận rõ rệt hơi nước lạnh buốt phả vào người. Một cảm xúc thật khó diễn tả. để đến đây, chúng tôi đã đi bộ gần 2km, chống chọi với lũ vắt, vượt qua con suối, chạy đua với những cơn mưa thất thường, để bây giờ được nhìn thấy thác Trắng với vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ.
Sau chuyến đi, chúng tôi rút ra một điều: nếu ai muốn đến với thác Trắng hãy tìm sự giúp đỡ của người dân bản địa. Họ sẽ cho bạn nhiều kinh nghiệm qua suối khi nước chảy xiết, chỉ cho bạn biết nơi đâu nước lớn, có hố sâu, chỗ nào nhiều vắt..
Và để thêm yêu con người, vùng đất nơi đây.
Theo Phạm Bình (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Thác Trắng - Quảng Ngãi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét