Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Mồng 7, lết thếch về Cần Giuộc (P1)

Xưa nay vẫn thế: tết, ngoài việc đón mừng năm mới thì cũng là dịp người người khởi hành đầu năm với những chuyến du lịch phương xa. Nơi đến có thể là một địa điểm nổi tiếng nào đó mà trong cả năm, người ta vẫn mong được đến vào kỳ nghỉ dài...

< Trên đường Nguyễn Văn Linh vào buổi hừng sáng, lúc mặt trời mới vừa e ấp ló dạng.

Nơi ấy cũng có thể là một chốn vắng lặng, ít người biết đến nhưng là cách để người đi tìm thấy được những cái mới của nhận thức chính mình dù nó chỉ là một vùng quê.

< Rẽ vào Nguyễn Thị Thập mua 2 chai nước, cái thứ không thể thiếu với lữ khách nếu lang thang trên đường hàng buổi. Lavie ở đây rẻ, chỉ 7k chai 1.5L.

Với bọn mình, trước tết là khoảng thời gian vất vả do mưu sinh thì trong tết lại là thời điểm an nhàn. Tết không đi xa do bọn này vẫn muốn tránh cảnh giá cả tăng vọt cùng với những nhà nghỉ đầy úc nhúc khách, việc chi trả cũng sẽ khác ngày thường. Vậy nên không đi xa, chỉ phượt gần.

< Có nước rồi, mình theo đường Nguyễn Lương Bằng trở ra NVL và quẹo phải trực chỉ hướng Bình Chánh.

Đi gần thật đấy nhưng những điểm đến hay đường đi gần này có những cái bất ngờ: ví dụ như ngay các sáng mồng 1, 2, 3 - bọn mình đều rời nhà từ lúc mờ sương sáng đến quá trưa.

< Trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh, 2 - 3 bánh thì free... còn nhiều bánh hơn thì móc ví ra.

Địa điểm đến chỉ là những vùng ven Sàigòn như Q9, Q7... nhưng vẫn tạo ra rất nhiều bất ngờ do chốn lạ với các cung đường, những ngôi chùa huyền ảo trong sương sớm lành lạnh... và chắc chắc rằng từ hàng ngàn những tấm ảnh tuyệt đẹp đó sẽ làm tiền đề tiếp theo loạt bài 'Loanh quanh ngoại ô Sàigòn' nhiều kỳ mà mình đã đăng. Vậy nhưng...

< Bọn mình qua cầu Ông Lớn. Cầu Ông Lớn nằm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, bắc qua rạch Ông Lớn, thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh. 

Cầu được thiết kế vào năm 2001 đến năm 2004 thì được đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu có kết cấu cầu vòm ống thép nhồi bê tông lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam, góp phần làm đa dạng hóa kiến trúc công trình cầu đường. Hồi đầu thì nó tươi tắn lắm nhưng bây giờ màu đỏ đã phai dần.

< Nắng vàng hoe trên những hàng cây vào mùa thay lá. Buổi sớm mai nên vẫn còn rét căm căm, tuy nhiên bọn này trang bị kỹ rồi.

Điều đáng tiếc là ngay sáng mồng 8, máy mình đi tong ổ cứng: mọi hình ảnh về những buổi lang thang đầu xuân cũng đi tong ngoài số lượng ít ỏi còn sót lại trong thẻ flash của 2 cái máy chụp hình, trong đó có chuyến đi công việc ngày mùng 7 về Gò Công.

Vậy là loạt bài tiếp theo của việc 'lang thang ngoại ô' đành gác lại, chờ những lúc ngứa chân lần sau. Còn loạt bài này, mình sẽ tạm post chuyến đi về Long Hựu - Gò Công vậy.

< Cây cầu có kết cấu giống y cầu Ông Lớn vừa chạy qua nhưng màu trắng: đây là cầu Xóm Củi. Có tên này chắc do cầu nằm ngay khu vực Xóm Củi xưa. Ngày nay, củi không còn do người ta chỉ xài ga hay điện...
Vị trí cầu này ở đây.

Chỉ là công việc thôi, nói cho dễ hiểu thì bọn mình cần đi thị trấn Cần Giuộc để trao người quen một gói quà biếu của người ở nước ngoài, sẳn dịp hướng về Long Hựu luôn rồi từ đó sẽ theo TL19 đi Long Phụng, trở về Nhà Bè.

< Qua cầu Xóm Củi rồi thì hai bên nhà cửa đã thưa thớt. Nơi này thuộc xã Bình Hưng thuộc huyện Bình Chánh.
Vậy nhưng Bình Chánh cũng có khu dân cư đẹp không kém PMH, ví dụ như khu Trung Sơn...

Vậy là 5h sáng ngày mồng 7, bọn mình rời nhà, theo đường Nguyễn Văn Linh hướng về phía Tây để đến ngã rẽ QL50 đi Cần Giuộc.

< Gặp đường lớn cắt ngang, mình rẽ trái vào con đường thênh thang này. Nếu rẽ phải sẽ về Q8, còn theo hướng mình trực chỉ là Cần Giuộc - đây chính là QL50.

Nguyễn Văn Linh thực tế là một đại lộ, cũng là một trong những tuyến đường đô thị lớn nhất, hiện đại nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Đại lộ này có tổng chiều dài 17,8 km - nối từ đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7 đến Quốc lộ 1A (đoạn đi qua Bình Chánh). Đại lộ được quy hoạch lộ giới 120 m gồm 10 làn xe, 10 cây cầu, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 100 triệu USD. Đây là công trình hạ tầng lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất mà Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng thực hiện.

< Nhưng thênh thang chỉ là một đoạn ngắn đầu rồi teo nhỏ lại thế này đây. Khúc này có rất nhiều tiệm bạn vịt quay, thịt quay cả 2 bên đường - bảng quảng cáo nhấp nháy, mùi 'quay' thơm nức mũi.
Phố thịt quay thuộc địa phận xã Phong Phú (Bình Chánh).

< Hết quay, phố xá thưa vắng hơn. Lúc này, nửa kia đề nghị tấp vào ăn sáng.
Bánh canh ghi trên bảng là 15k nhưng giá 'tết' phải trả 17k, cháo lòng vẫn giá cũ là 10k - chỉ nhỉnh hơn xíu thôi mà, xin thông cảm...

< Nhiều đoạn trông như làng quê, lúc này đồng hồ chỉ 7h31 phút rồi.

Con đường NVL được khánh thành vào ngày cuối cùng của tháng 12 năm 2007 cùng lúc với Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng được xây dựng giai đoạn đầu – mô hình đô thị kiểu mẫu dọc theo tuyến đường này đã góp phần vào chương trình giãn dân từ nội thành, giải tỏa tình trạng ách tắc trên quốc lộ 15, đường Nguyễn Tất Thành, đồng thời phục vụ việc vận chuyển hàng hóa vào ra trung tâm thành phố, Khu chế xuất Tân Thuận, Cảng Sài Gòn.

< Mình qua rất nhiều chợ nhỏ, nói nôm na là chợ 'chồm hổm' như thía này. Cứ chạy một đoạn lại thấy, thật đông vui.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh lúc ấy được xem là tuyến đường huyết mạch có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với những công trình trọng điểm như: Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Nhà máy điện Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Cảng Hiệp Phước, Cầu Phú Mỹ và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

< Vượt cầu Ông Thìn, cây cầu vắt ngang dòng sông Cần Giuộc.
Tên thì Cần Giuộc nhưng qua sông vẫn còn thuộc địa phận xã Quy Đức (Bình Chánh).

Ngày nay, sau nhiều lần mở rộng và xây cầu dẫn Phú Mỹ theo đúng kế hoạch ban đầu (chỉ còn một đoạn ngắn từ ngã 4 Đa Khoa đến Nguyễn Tất Thành là chưa được mở rộng theo thiết kế dù quỹ đất đã có sẳn - đang bị tái lấn chiếm) thì con đường vẫn đẹp và thuận tiện cho người lưu thông dù nó đã có phần... xuống cấp (ví dụ như đèn đường hư hỏng nhiều, cây xanh gãy đổ không được thay thế...). Có lẽ con đường vẫn do PMH quản lý và nhà đất lại đang trong giai đoạn khó khăn chăng? Thôi thì, xấu một tý nhưng vẫn chạy tốt là được rồi.

< Qua cầu gặp ngay chợ Quy Đức, vị trí nơi này tại đây. Cái tháp cao trong hình là bồn chứa của Trạm cấp nước Quy Đức.

< Lúc này còn cách Cần Đước 16km theo cột mốc ven đường.

Quy Đức là một xã nằm ở vùng sâu thuộc phía nam huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Xã có diện tích đất tự nhiên là 646 ha với 2.328 hộ; 9.322 nhân khẩu trong đó có 4.751 nữ (chiếm 50,97% dân số).
Địa giới hành chính: Phía đông giáp xã Tân Kim, phía tây giáp xã Long Thượng (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) và xã Hưng Long, phía bắc giáp xã Đa Phước qua sông Cần Giuộc, phía nam giáp xã Mỹ Lộc (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

< Chả biết vì sao nhưng ngã 3 này có tên gọi là 'Ngã 3 Tám Chẻo': rẽ phải là đi Cần Đước, còn chạy thẳng là vào thị trấn Cần Giuộc. Mình chạy thẳng...
Trước mặt là công viên Nguyễn Thái Bình, bên trái là chùa Vĩnh Long, lớn và đẹp với tháp chuông cao vút.

< Đường vào trung tâm thị trấn vẫn còn rợp cờ đỏ, chỉ mới mùng 7 tết thôi mà...

< Qua cây cầu Cần Giuộc là vào trung tâm thị trấn, cũng là chỗ mình giao gói quà cho người quen...
Cầu vắt ngang một nhánh của dòng sông cùng tên.

< Gặp ngã 4 đầu tiên thì mình quẹo phải vào con đường nhỏ để vượt qua cây cầu Nguyễn Thị Bảy.

Cần Giuộc là một huyện thuộc vùng hạ nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Long An. Cần Giuộc nằm ở vành đai vòng ngoài của vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ của Thành phố Hồ Chí Minh tới các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long qua Quốc lộ 50, từ biển Đông qua cửa sông Soài Rạp và hệ thống đường thủy thông thương với các tỉnh phía Nam.

< Cầu sắt lót ván, lọc bọc theo tiếng bánh xe lăn. Vậy nhưng khá chắc chắn.

Cần Giuộc cũng là tên của một thị trấn thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Thị trấn Cần Giuộc gồm: 4 khu phố (khu phố 1, khu phố 2, khu phố 3, khu phố 4), có diện tích là 8,703 km2 và dân số: 22.282 người.

< Dòng sông phía dưới thế này đây: lặng lẽ phản chiếu cả bầu trời...

< Xe hơi đấy, chứng tỏ là cây cầu vừa qua thừa sức 'cõng' xế hộp.
Ghé vào nơi cần ghé để đưa giúp gói quà cùng vài lời chúc xuân rồi bọn mình từ giã.
Trở ra, giờ sẽ về đâu?

Bạn còn nhớ ngã 3 Tám Chẻo khi mình vào Cần Giuộc không? Con đường ni sẽ nối thẳng ra nhánh kia luôn đấy. Nhánh kia tức là nhánh hướng về Cần Đước.

< Trở ngược ra ngoài. Đường ra vào băng ngang khu công viên và trường học với rất nhiều các em học sinh tại đó.
Tên trường là Trường trung học cơ sở Nguyễn Thị Bảy. Tên trường và cầu lấy từ tên một nữ anh hùng.

Nguyễn Thị Bảy là nữ Bí thư Huyện Uỷ Cần Giuộc đầu tiên. Bà sinh 1912 tại xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công (nay là huyện Gò Công Tây); là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, được mệnh danh là bà “Hoàng Hậu đỏ”. Bà bị giặc bắt và xử bắn tại Sân Banh Cần Giuộc (nay là công viên Nguyễn Thị Bảy); Bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2010.

< Trở ra ngã 4, đây cũng chính là nhánh nội ô của QL50. Tháp cao cao trong ảnh là chùa Phật Mẫu, nhiều chùa lớn nhỉ.
Bọn mình quẹo phải tiếp tục đi, nơi sẽ đến là đảo Long Hựu. Long Hựu có gì? Bạn sẽ xem tiếp phần sau vậy nhé.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6

Travel79.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét