Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Lang thang ngoại ô Sàigòn (B - P4)

(Tiếp theo) - Trong khi nửa kia gọi bán cuốn thì mình tranh thủ băng ngang đường, ghé tham quan đình Phong Phú ngay trong ngày rằm lớn tháng giêng.
Đình Phong Phú thuộc khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú B - quận 9. Theo các cụ cao tuổi, ngày xưa đình còn có tên là đình Tăng Phú.

< Cổng ngoài, phía giáp mặt đường của đình Phong Phú.

Đình Phong Phú được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 19, theo hướng Đông Bắc. Lúc đầu đình còn lợp lá, vách ván, mái thấp. Năm 1937, đình được lợp lại ngói âm dương, xây tường gạch, hệ thống cột kèo vẫn giữ nguyên. Năm 1948 đình bị phá theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến.

< Một trong nhiều cổng phía trong của đình Phong Phú - Q9.

Năm 1952 đình được tái lập lại trên nền đất cũ. Năm 1968 đình bị hư hỏng nặng do chiến tranh. Năm 1969 được tái lập lần hai. Sau năm 1975, nhà võ ca và nhà để xe được xây dựng, sân đình được lát gạch, mặt tiền được tu sửa lại.

< Trước cổng này có bia chứng nhận di tích lịch sử Quốc gia.

Đình Phong Phú hiện nay tọa lạc trên khu đất rộng 4,2 mẫu. Riêng khuôn viên đình có diện tích 4.620m², xung quanh có tường xi măng bao bọc.

Khu đất rộng quanh đình được trồng cây cao su. Mặt bằng kiến trúc chính của ngôi đình được bố trí cân đối và mang đậm dấu ấn thuần Việt.

< Cổng tam quan của đình Phong Phú, chính giữa có tượng thần Bạch Mã.

Đình có hai lớp cổng: Lớp cổng thứ nhất, có hai cửa hai bên, ở giữa tạc bia Ông Hổ.

Lớp cổng thứ hai làm theo kiểu tam quan, giữa tam quan là tượng bạch mã. Sau tam quan là bàn thờ Thần Nông, tiếp theo là hòn non bộ. Hai bên hòn non bộ có miếu thờ Ngũ hành Nương nương và miếu thờ Bạch mã.

< Ngoài ra, có các khảm nhỏ thờ các thần khác dọc theo biên phải, được đốt hương khấn vái tôn kính.

Võ ca được đặt chính giữa đối diện với chính điện, cách chính điện 10,5m.

Theo trục dọc công trình thì chính giữa là tiền điện, chánh điện, nhà túc, nhà bếp. Đối xứng qua trục chính bên phải là nhà truyền thống, bên trái là nhà rửa rau quả. Trên nóc mặt tiền có trang trí lưỡng long tranh châu cẩn mảnh sành nhiều màu rất đẹp.

< Người người vào dâng hương, cầu khấn - mình thì vô tham quan, tìm hiểu... còn các bé vào đây để chơi trò trốn tìm.

Bên trong đình: tất cả các bức hoành phi, câu đối đều được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Các họa tiết trang trí vẫn là những đề tài quen thuộc ở các đình miền Nam như: long, lân, qui, phụng, bát tiên, cá hóa long.

Nét đặc biệt của đình Phong Phú là nhờ tượng tròn mà hầu hết các đình khác trong thành phố Hồ Chí Minh không có.

< Chính điện đình, đối diện với nhà võ ca...

Đình Phong Phú thờ Thành Hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam. Tượng Thành Hoàng bổn cảnh đặt trong khám cao 2,50m đặt trên bệ xi măng cao 1m. Khám được chạm rồng, cá chép hóa rồng, hoa lá...

Đây là đình duy nhất thờ tượng thần (các đình khác ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ thờ bài vị).

< Trước hiên có ba lư hương rất lớn nghi ngút khói hương.
Hai bên có chữ: Phong điều võ thuận - Quốc thới dân an, chính giữa có ghi: Đình Phong Phú - Tương - Lân - Qúi - Tế - Hội.

< Nhà truyền thống kế cận chính điện, góc cuối là 'Nhà rửa rau quả' không biết công năng thực là gì thuở ngày xưa.

Lễ chính trong năm là lễ Kỳ Yên. Lễ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14 đến 16 tháng 11 âm lịch. Sáng ngày 14 tháng 11 âm lịch, ban hội đình tổ chức cúng tế theo nghi thức cổ truyền. Lễ vật chính là một con heo đã làm thịt để nguyên con. Mỗi gia đình trong địa phương đều có lễ vật riêng mà đó có thể là heo quay, gà luộc hoặc mâm xôi hay trái cây...

< Một miếu thờ nhỏ phía ngoài, chỗ nào cũng có người đốt hương khấn vái.

Thỏa rồi mình đi ra, thật tế vẫn còn bỏ sót khoảnh rừng rộng bao la phía sau, nghe nói trồng cây cao su.
Mà còn dĩa bánh cuốn ngoài kia đã kêu nữa chứ, he he: chỉ 15k/dĩa, ngon và đủ chất cho buổi đầu ngày.

< Kề cận đình Phong Phú có con đường dẫn vào vườn cao su, kế bên là Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ phường Tăng Nhơn Phú B.
Chỉ vừa chạy mươi mét thì bà xã đòi tấp lại, định viếng gì đây?

Đặc biệt khách đến dự lễ kỳ yên ở đình Phong Phú rất đông. Không chỉ dân địa phương mà nhân dân trong thành phố và các tỉnh lân cận cũng về dự lễ. Có thể nói đây là ngôi đình nổi tiếng nhất trong thành phố HCM.

< Hóa ra viếng 'thần xoài'. 20k/kg, trái to, mượt mà nhìn bắt mê. Vậy là mua 1 bịt, 2 bịt... mua tà la!
Xách mấy túi xoài băng ngang đường, gặp tay bán hàng rong gần đó xáp lại nói khẽ: 'Xoài dở ẹc hà, đừng mua'. Chẹp, những trái xoài thuôn thuôn, phớt vàng lấm chấm thế ni mà chê à? Hay ông này ghét ông kia?

Chừng về cắt ăn thử mấy trái còn lại sau khi cúng chùa mới biết là xoài mủ, trông ngoài thấy mê nhưng ăn thì thấy ghê, sặc mùi hành! Thua rồi, ha ha...

< 'Hể hả' với xoài, lại lên xe đi vì ai mà biết được là 'Bé cái lầm'.

Ảnh là đường Dương Đình Hội. Ngộ nỗi: Trước đình Phong Phú lại là Dương Đình Hội, còn đường Đình Phong Phú thì phải chạy thêm vài mươi thước nữa, vượt ngã 3 đường Tăng Nhơn Phú mới đến.

Đình Phong Phú đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, mặc dù vậy các cụ trong hội đình luôn giữ được liên lạc với cách mạng và đã có nhiều đóng góp suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975).

< Khúc này thấy nhiều xe khách tấp vào mép phải đường. Ngoái nhìn, hóa ra đây là chùa Phong Linh (vị trí tại đây), vậy là bọn mình tấp vào luôn xem thế nào.

< Phía trong sân chùa Phong Linh.
Hôm nay ngày rằm tháng Giêng nên khách viếng chùa khá đông.

Chùa Phong Linh ở khu Phố 3, Phong Phú - thuộc phường Tăng Nhơn Phú B. Đây là một chùa cổ do thượng tọa Thích Pháp Ấn (Như Quới) và Phật tử địa Phương xây dựng và thành lập năm 1917 rồi sau đó được tu sửa vào các năm 1953, 1971, 1991, 1996... để có diện mạo như ngày nay.


< Chùa theo hệ phái Bắc Tông, tụ trì hiện nay là hòa thượng Thích Nhựt Liên (Bửu Hoa). Các ngày lễ lớn, kỵ giỗ trong năm là 13- 11 ÂL giỗ Tổ khai sơn.
Tượng Phật Di Lặc bên góc phải chùa.

< Những cô gái đang khấn Phật trong vườn Lâm tỳ ni.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) tại đình Phong Phú, lực lượng thanh niên tiền phong của làng Phong Phú đã tuyên thệ thành lập. Sau đó lực lượng này đã luyện tập tại đây và phát triển thành lực lượng bộ đội địa phương. Đình đã cung cấp lương thực, thực phẩm và vũ khí cho bộ đội.

< Hòn non bộ rất lớn trong vườn tràn ngập cây và hoa.

Từ đình Phong Phú bộ đội địa phương xuất quân đánh đồn Nhật, kết quả thu 5 súng trường. Cuối năm 1946 bộ đội địa phương từng đóng quân tại đình.

Hội trưởng đình Phong Phú khi ấy đồng thời là chủ tịch ủy ban hành chánh kháng chiến xã. Ông đã hướng hoạt động của hội theo hướng vừa lo việc thờ thần vừa lo việc tổ chức nhân dân phục vụ kháng chiến chống Pháp.

< Tượng Phật nhập Niết bàn trong chùa Phong Linh.

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) đình Phong Phú là nơi tập trung quân, nơi dừng chân của cán bộ cách mạng của vùng Thủ Đức. Đình còn là nơi cung cấp tiền bạc, lương thực, thuốc men, dầu hôi... thường xuyên cho cán bộ cách mạng.

Năm 1960 toàn bộ hội đình bị bắt vì bị tình nghi tiếp tế và quan hệ với cách mạng.

< Từ sân vườn nhìn vào chính diện chùa.

Trong tù, mặc dù bị tra khảo các cụ cương quyết giữ kín mội bí mật. Cho đến khi ra tù, các cụ lại tiếp tục con đường ủng hộ cách mạng.

Ngày nay, trong đình vẫn còn hầm bí mật để che dấu bộ đội. Cửa hầm bí mật này là miệng cống nhà tắm có kích thước 40cm x 50cm. Nhà tắm nằm ở góc phải trong khuôn viên đình. Phần miệng hầm ngoài vườn cao su cách vòng thành đình và nhà tắm khoảng 7m.

< Tháp chuông.

Ngày 20/10/1976, xã Tăng Nhơn Phú (nay là phường Tăng Nhơn Phú) được công nhận là xã anh hùng, trong đó có sự đóng góp của hội đình Phong Phú.

Lịch sử đình Phong Phú qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ là hình ảnh điển hình thể hiện tình đoàn kết và sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Ở đây tín ngưỡng dân tộc được kết hợp với ý thức độc lập tự do tạo nên thành tích của đình Phong Phú. Vì lẽ đó, đình Phong Phú đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử theo quyết định số 57-VH/QĐ ký ngày 7/1/1993.
< Chánh điện chùa Phong Linh.

Bạn lưu ý: ở TPHCM cũng có ngôi đình khác nhưng cùng tên: Đình Phong Phú này tọa lạc tại số 46 đường Phong Phú, phường 12,  quận 8.

Khi triều Nguyễn lập địa bàn tỉnh Gia Định (1836), Phong Phú là một thôn thuộc tổng Tân Phong Hạ, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.

< Nửa kia ở ngoài coi xe nên mình trở ra sớm, chụp một phát cho con Win để 'em nó' khỏi ghen!

Thôn Phong Phú được thành lập khoảng thời gian từ năm 1816 – 1833. Đình Phong Phú cũng được xây dựng trong thời gian này để thực hiện chức năng là nhà việc và là nơi thờ phụng các vị thần linh theo tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.

Lúc đầu, đình tọa lạc bên bờ kênh Đôi, đến khoảng năm 1917, đình được dời đến vị trí hiện nay.

< 'Nhiệm vụ' hoàn thành rồi lại đi. Lúc ni đã khá xa đình Phong Phú rồi nhưng bây giờ: đường mới mang tên 'Đình Phong Phú'. Đường ni có nhiều khúc quanh, cũng nhiều dốc luôn.

< Vừa qua khúc dốc xuống thì lại gặp ngay dốc lên.

Trong đình ở Q8 thờ Thần thành hoàng bổn cảnh, Tả ban Hữu ban, Chú sinh nương nương, Thiên phụ địa mẫu, Địa tạng vương Bồ tát, Quan thánh đế quân, Phúc đức chính thần... Những hiện vật cổ vẫn còn được lưu giữ trong đình như các bộ tượng thần, khám thờ, bài vị, long vị, binh khí, bát bủu, đỉnh trầm, lư hương, liễn đối, hoành phi, phù điêu (gỗ). Hàng năm, đình có 15 lễ hội, cúng tế nhưng lễ Kỳ Yên (ngày 17 tháng giêng) được tổ chức  long trọng nhất.

< Cuối đường, gặp ngã 3 Lê Văn Việt, bọn mình rẽ phải. Thú thật: đi gần nên chả điều nghiêng trước cóc khô gì, cũng chả cần ghi chú.
Vậy nhưng nửa kia còn nhớ loáng thoáng rằng đường này sẽ chạy thẳng ngang khu công nghệ cao...

Đình Phong Phú - Q8 cũng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố ngày 27/4/2009 và được khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam.

< Không rành chắc đường nhưng lo gì, trong thành phố mà. Kẹt quá thì hỏi, mà hỏi đường thì cũng nên hỏi nhiều người nhé, nguyên do là có người không biết, có người lại chỉ đường... trật lất dù rất sốt sắng (hi hi).

< Khu chung cư đang xây dựng, sau này về thì biết nó nằm ở vị trí này.

< Qua cái chung cư hình chữ thập đang xây thì cầu vượt khu công nghệ cao ló dạng: a ha, đúng đường rồi!

Nhiều buổi tối giấc hơn 20h, bọn mình vẫn lang thang trên nhiều con lộ nhỏ vắng hoe ở Q2, Q7. Đi SH, diện đồ hiệu, túi mang iphone - tay mang lắc vàng... thì ngại nhưng bọn này ăn bận lình xình, xế cùi với vài ba mươi K trong túi để 'ăn đêm' thì việc gì phải lo?
Dám chừng các chú cướp còn chạy tét khi bình xăng xe ta còn... téo tẹo: không khéo khách 'bị cướp' còn mở miệng xin... tý tiền còm để 'đổ xăng' thì xúi quẩy vô cùng hỉ?

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7

Điền Gia Dũng - Travel79.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét