(ANTĐ) - Người ta đi lễ chùa cầu tài, cầu lộc, cầu đăng khoa, đỗ đạt, còn tôi chỉ quan niệm giản dị, đi chùa là để tìm chút thư thái trong tâm, tiếp sau là vãng cảnh để hòa mình với khí thiêng của trời đất buổi đầu xuân. Trong tiết trời xuân, khi mưa rắc bụi, một lần ghé chân tới Tổ đình Trung Hậu hẳn sẽ mang lại cho những người đi lễ chùa thật nhiều xúc cảm.
Tổ đình Trung Hậu hay dân gian vẫn quen gọi là chùa Trung Hậu thuộc xã Tiền Phong, huyện Mê Linh cách trung tâm Hà Nội chừng 25km. Điểm nổi bật của ngôi chùa chưa hẳn là cổ kính này không chỉ nằm ở những bức phù điêu gỗ đặt trong gian thờ Tổ mà còn bởi cảnh sắc tuyệt tác trong khuôn viên chùa. Khắp nơi, đâu đâu cũng là cây cỏ, từ những giống lan “khó tính” cho tới những chậu hoa đá dễ trồng đều toát lên một vẻ đẹp thanh thoát làm mê đắm người đi lễ chùa.
Đặt chân tới tam quan, cánh cửa gỗ mộc mạc như gợi nhắc du khách về một miền ký ức xưa cũ nơi làng quê Bắc bộ. Tượng đức Phật trên vọng gác từ bi đón nhận khách thập phương về bái viễn. Rồi chỉ qua tam quan ấy thôi, cả một thế giới hoa cỏ bỗng đâu ùa về để lại sau cửa Phật những bụi trần nặng trĩu.
Con đường dẫn vào gian thờ chính không trải nhựa, cũng không lát gạch mà chỉ toàn là sỏi. Chú tiểu ở chùa khẽ giải thích rằng vì khách phương xa đi đường mệt nhọc về tới đây đi trên con đường này bàn chân sẽ được những viên đá cuội kia làm cho thư thái.
Dọc lối đi sư thầy trồng rất nhiều cây mai, cây mận bung nở những bông trắng muốt, xen lẫn những thứ cây dân dã trong vườn nhà như bưởi, cam, nhãn… trên những cành cây ấy rực lên sắc đỏ của những miếng lụa cầu phúc mà người đi lễ buộc lên. Giữa hồ sen rộng, lầu Quán Âm bằng gỗ được cất lên, ở đó đức Phật bà hiền từ soi rọi mọi nỗi khổ của thế nhân mà phổ độ chúng sinh.
Vào trong sân chùa, qua ang nước hoa súng nở tràn, là những luống hoa hồng, hoa tường vi nhuộm thắm một góc sân. Lễ Phật xong, du khách an nhàn thả bước về phía hậu viện nơi mở ra một cõi tiên nơi trần thế. Ở đó vườn hoa lan của sư thầy rủ nhau khoe sắc, có những loài lan quý hiếm thuộc dạng khó trồng cũng đang độ ra hoa. Còn có cả những cây cỏ giản dị vô ngần như cây bỏng, cây hoa đá cũng đầy sức mê hoặc. Khách lạc bước chốn bồng lai cơ hồ nhận thấy cỏ cây chốn linh thiêng này cũng hữu tình lắm, nhánh cây ngọn cỏ nào cũng đẹp cũng có linh hồn. Giữa chốn cỏ cây, giữa tiếng chuông chùa điểm khẽ, lòng kẻ lữ khách thấy nhẹ nhõm lắm thay để bỗng nhận ra từng bước chân nặng nỗi lo toan thường ngày giờ thật an lạc, quên cả thời gian, quyến luyến chẳng muốn về.
Hẳn sư thầy ở đây phải là người hiền từ, đôn hậu bởi đám cỏ cây mà ngày ngày người vun trồng tưới tắm như đã kể cho lữ khách nghe về người. Chẳng thế mà chùa Trung Hậu là nơi được chọn để tổ chức các khóa tu cho học sinh, sinh viên nhằm giúp các bạn hiểu hơn về cội nguồn, về hiếu, lễ.
Trong chuyến hoằng pháp tại Việt Nam của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa, chùa cũng được ngài chọn làm nơi ngụ lại để chủ trì Pháp hội cầu nguyện Quốc thái dân an, đồng thời tổ chức nghi thức quán đỉnh cộng đồng với khoảng gần 1.000 Phật tử thập phương về dự.
Theo Tuấn Linh (An Ninh Thủ Đô)
Travel79.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét