(PNO) – Năm nay, Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang) là điểm du xuân được nhiều người quan tâm, với nhiều điểm tham quan thú vị.
< Nhiều bạn trẻ đến chơi tại chiếc cầu vươn ra biển Tân Thành.
Thời gian đi xe máy/ô tô từ TP.HCM đến biển Tân Thành khoảng hai giờ. Khởi đầu từ Cầu Nhị Thiên Đường (Quận 8), băng qua đại lộ Nguyễn Văn Linh rồi theo quốc lộ 50, đi qua hai xã Phong Phú, Quy Đức (huyện Bình Chánh), qua hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước (Tỉnh Long An) tới bờ Bắc sông Soài Rạp đi phà Mỹ Lợi là tới đất Gò Công.
< Bia tưởng niệm Lũy pháo đài, được chứng nhận di tích cấp Quốc gia năm 1987.
Từ phà Mỹ Lợi, mất thêm 10 phút di chuyển, bạn có thể ghé thăm làng nghề đóng tủ thờ truyền thống của đất Gò Công, tại ấp Ông Non, xã Tân Trung, Thị Xã Gò Công. Đây là nơi khai sinh nghề đóng tủ thờ cẩn xà cừ mà không dùng bất kỳ cây đinh nào của ông Nguyễn Văn Non. Sau hơn 110 năm tồn tại, nghề đóng tủ thờ giờ đã có hơn 500 hộ sống được, sống vui và có ích bằng nghề cưa, bào, đục, đẽo.
< Bia tưởng niệm ở Gia Thuận, nơi anh hùng Trương Định tự vẫn để bảo vệ khí tiết.
Theo đường Từ Dũ, bạn có thể ghé khu lăng Hoàng Gia, nằm ở giồng Sơn Quy, một di tích văn hóa cấp quốc gia, rộng 4.000m2. Đây là ngôi nhà thờ và phần mộ danh thần triều Nguyễn: đức Quốc công Phạm Đăng Hưng (1765-1825), ông ngoại của vua Tự Đức, thân sinh bà Phạm Thị Hằng, tức hoàng thái hậu Từ Dũ và là soạn giả bộ sử Đại Nam thực lục.
< Khu mộ của Quốc công Phạm Đăng Hưng.
Giồng sơn Quy là một trong những căn cứ kháng chiến của Bình tây Đại Nguyên soái Trương Định. Đây còn là nơi hội tụ của rất nhiều mái nhà gọi chim yến về nằm dọc theo hai bên đường Lăng Hoàng Gia.
< Lăng Hoàng Gia.
Gò Công từng được mệnh danh là quê hương của trái sơ ri. Cả một vùng chuyên canh sơ ri nằm ở xã Hòa Nghị, ở đó có một cây dầu cổ vài trăm năm tuổi.
< Một trong hai khẩu thần công trấn giữ cửa sông của nghĩa quân Trương Định.
Từ khi được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tháng 12/2010, đình Tân Đông, nơi tương truyền được phong sắc thần thờ phượng tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832), người hai lần được phong tổng trấn thành Gia Định dưới thời chúa Nguyễn, được nhiều người tìm đến tham quan.
< Đình Gò Táo.
Mặt trước của ngôi đình được bảo vệ bởi những rễ cây bồ đề bao phủ chung quanh như đền Ta phnom (Campuchia). Tuy nhiên, nếu bạn muốn đến nơi này, thì đừng hỏi đình Tân Đông, bởi từ xưa, người dân ở đây quen gọi đó là đình Gò Táo (thuộc ấp Gò Táo, xã Tân Đông).
< Những đứa trẻ chơi đùa dưới bãi biển.
Ở Gò Công, có hai nơi thờ anh hùng Trương Định. Một ở trung tâm thị xã và một ở “đám lá tối trời” - ngay nơi ông điều hành việc khởi binh và tự vẫn để giữ gìn khí tiết: Gia Thuận (xã Tân hòa).
< Nước ròng, hàng trăm người cào nghêu đi về phía biển.
Từ khu lăng Hoàng Gia, bạn có thể đi thẳng vào trung tâm thị xã Gò Công để viếng mộ và đền thờ anh hùng Trương Định, rồi chạy thẳng về biển Tân Thành. Nhưng nếu chọn đình Tân Đông để tham quan, thì bạn có thể viếng khu đền thờ và nơi ông tự sát khi bị phục binh, sau đó theo đường bờ kè bảo vệ biển đi về hướng Tân Thành.
Bờ biển Tân Thành dài khoảng 7 km. Đó là vùng biển giống Cần Giờ (TP.HCM). Nơi đây nhà nước đã đầu tư thành khu du lịch với bờ kè khá đẹp dài gần 300 mét, giúp ngăn chặn những cơn sóng dữ mùa gió chướng làm sạt lở bờ. Tuy nhiên điều khiến người ta thích đến biển Tân Thành do nơi đây là một sân nghêu khổng lồ với những chiếc chòi giữ nghêu lênh khênh trên sóng biển. Du khách đến đây, phần để biết nghêu được nuôi như thế nào, bắt nghêu ra sao, rồi thưởng thức món nghêu luộc “lụi” không thêm món gia vị nào.
< Nước ròng, nghêu nằm đầy mặt bãi.
Mùa gió nồm (gió đông nam, từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch) là mùa cào nghêu rộ nhất. Nhưng bắt đầu từ tháng giêng, cứ theo con nước ròng, mỗi ngày có hàng trăm người đi thành hàng dài về phía biển rồi sau đó ngồi kín một vùng để cào nghêu thành phẩm cho thương lái chuyển về TPHCM...
< Nước chưa rút hẳn, những người cào nghêu tranh thủ làm việc.
Cuối con đường ven biển Tân Thành hướng về xóm Cầu Muống là bến phà Đèn Đỏ, nơi đi qua cù lao lũy Pháo Đài. Tại đây vẫn còn lưu giữ hai khẩu thần công của anh hùng Trương Định dùng để án ngữ những cuộc tấn công của quân Pháp từ hướng Cửa Tiểu. Nhìn hai khẩu thần công âm thầm mà oai nghiêm ngày đêm hướng về phía biển, rồi theo đò ngang vòng ra cửa biển nhìn vào mới thấy tầm nhìn chiến lược của người anh hùng áo vải ngày xưa không phải là vô lý.
Chiều xuống, gió từ biển thổi vào đung đưa những cánh hoa muống biển ở xóm cầu Muống. Ở đó, người ta lại nghe Bảo Yến hát về một chuyện tình: Có chàng trai tên Biển cùng yêu thương cô Muống chân tình, biển mãi mê đi tìm nguồn cá, con nước vô tình cuốn biển đi xa... (Chuyện tình rau muống biển – nhạc và lời Hoàng Phương)...
Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Đi về Gò Công một ngày quả không uổng phí. Chuyến du xuân dù ngắn ngày, không chỉ thay đổi không khí vui xuân đơn thuần mà còn là dịp nhắc nhớ đến công ơn tiền nhân có công giữ gìn đất nước từ hàng trăm năm trước. Quả là nhất cử bách tiện và nhiều ý nghĩa.
Theo Nguyễn Thiện (báo Phụ Nữ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét