Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Hội Cổ Nhơn - thú chơi tao nhã ngày xuân

(PNO) - Vùng đất võ Bình Định luôn rộn ràng mỗi dịp xuân về, bởi nơi đây còn lưu giữ rất nhiều lễ hội truyền thống mừng xuân, như hội chợ Gò (Tuy Phước), hội đua thuyền, bài chòi, hội Đống Đa (Tây Sơn)… Trong đó, trò chơi dân gian, độc đáo Cổ Nhơn là thú vui tao nhã của người dân Bình Định dịp đầu xuân năm mới.

Gốc tích thú chơi Cổ Nhơn

Chưa có tài liệu sử sách nào ghi lại nguồn gốc xuất xứ của trò chơi Cổ Nhơn, những người chơi hội Cổ Nhơn đều nói trò chơi này đã có từ lâu, truyền qua nhiều đời.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Quý Dịch, trò chơi Cổ Nhơn xuất phát từ thời nhà Nguyễn, du nhập vào Bình Định. Qua thời gian, Cổ Nhơn ở Bình Định có nhiều thay đổi, phát triển và thành món ăn tinh thần của người dân nhiều vùng ở địa phương này. Trò chơi có một ban tổ chức, gọi là Hội xổ Cổ Nhơn. Hội này chịu trách nhiệm ra đề, thu tịch và sẽ chung tiền cho những người giải đáp chính xác. Tỷ lệ chiến thắng 1 đồng nhận 25 đồng.

Tịch của trò chơi này gồm 36 con vật, dùng để ghi số tiền mà người chơi mua. 36 con trong bảng Cổ Nhơn được chia thành 9 nhóm: Tứ trạng nguyên: cá trắng, ốc, ngỗng, công; Ngũ hổ tướng: trùn, cọp, heo, thỏ, trâu; Thất sinh lý: rồng bay, chó, ngựa, voi, mèo, chuột, ong; Nhị đạo sĩ: hạt, kỳ lân; Tứ mỹ nữ: bướm, hòn đá, én, cu; Tứ hảo mạng: khỉ, ếch, quạ, rồng nằm; Tứ Hòa Thượng: rùa, gà, lươn, cá đỏ; Ngũ khất thực: tôm, rắn, nhện, nai, dê; Nhất ni cô: con yêu.

Mỗi ngày 2 - 3 lần, BTC sẽ chọn một trong 36 con trong bộ tịch bỏ vào hộp gỗ niêm phong làm đề. Hộp gỗ chứa đề sẽ được trên lên cây nêu cao khoảng 5m ở các trụ sở thôn, xã… Dưới cây nêu có lực lượng canh gác, giữ đề không bị lộ.

Sau khi treo đề, để người chơi luận Cổ Nhơn, BTC sẽ đưa ra đề (câu thai) gồm 4 câu thơ lục bát ứng với đề. Phần luận câu thai để tìm ra đáp án chính là phần sôi nổi nhất của ngày hội Cổ Nhơn. Mỗi câu thai đều là danh lam thắng cảnh, nội dung văn học, sách sử, điển tích điển cố… người chơi dựa vào ý nghĩa của mỗi câu thai để đàm luận. Cổ Nhơn ý vị ở chỗ, người chơi phải thực giỏi, luận đề hay… tuy nhiên chưa hẳn người giỏi chữ nghĩa, luận đề hay là người thắng. Người đoán bừa chưa chắc đã thua. Bởi người ta thường nói, văn chương chữ nghĩa có nhiều lời giải, luận bàn khác nhau, và mỗi người đều tìm ra cái lý của mình.

Khi thắng được câu đề, không quan trọng ở khoản tiền ăn thua mà người chơi hãnh diện bởi khả năng, suy luận của bản thân.

Cổ Nhơn nơi đất Võ

Ở Bình Định, hội Cổ Nhơn nức tiếng nhất đất Hoài Nhơn. Mỗi dịp xuân, khắp thôn, xã ở huyện Hoài Nhơn rộn ràng, háo hức chờ hội Cổ Nhơn. 30 tết (tháng thiếu 29), Cổ Nhơn khai hội và có thể kéo dài đến mồng 5, mồng 6 tùy nơi. Thế nhưng từ độ 25 tháng Chạp, ở Hoài Nhơn đã sôi nổi, bàn luận, chờ đợi một mùa Cổ Nhơn đến. Trong gần 10 năm trở lại đây, Cổ Nhơn trên đất Hoài Nhơn lan tỏa sâu rộng, đến mọi ngóc ngách ở các vùng quê trong huyện. Cổ Nhơn là dịp để những người con xa quê hội ngộ, ngồi bên tách cà phê luận đàm câu thai, tìm lời giải đáp.

Hội Cổ Nhơn ở Hoài Nhơn chơi theo cách thức truyền thống, bộ tịch 36 con và câu thai là 4 câu thơ lục bát. Mỗi ngày hai lần vào lúc 6 giờ sáng và 14 giờ chiều, BTC sẽ chọn môt trong số 36 con trong bộ tịch treo lên cây nêu. Đến 12 giờ trưa và 18 giờ tối, Cổ Nhơn xổ đề trong niềm hân hoan, chờ đợi của hàng trăm người chơi.

Riêng ở TX An Nhơn (Bình Định), hội Cổ Nhơn biến thể hơn. Cách chơi không thay đổi, nhưng sẽ có sự thay đổi trong bộ tịch và câu thai. Bộ tịch ở đây không là 36 con mà 40 con, 4 con được thần. Câu thai không là 4 câu thơ lục bát mà được rút lại thành hai câu thơ lục bát.

Ông Nguyễn Đức Minh (64 tuổi), người 30 năm ghi Cổ Nhơn (P. Bình Định, TX An Nhơn), nói: “Cổ truyền bộ tịch Cổ Nhơn chỉ 36 con, về sau BTC thêm vào bộ thần thành 40 con. Một trò chơi dân gian có từ rất lâu, Cổ Nhơn thiên về chơi xuân, giải trí hơn thắng thua. Người thua cũng vui mà người thắng lại càng vui. Ghi Cổ Nhơn được sự cho phép của chính quyền, BTC Cổ Nhơn hàng năm tổ chức để mọi người vui xuân”.

Thực ra Cổ Nhơn khó cũng khó, mà dễ cũng thực dễ… Người chơi nhìn vào từng câu thơ để giải nghĩa. Ví dụ: “Nhớ ngày kỉ niệm Đống Đa/ Chiến công oanh liệt, vẻ vang nước nhà” là một câu thai được ra trong ngày kỉ niệm chiến thắng Đống Đa (4 -5/1 âm lịch). Câu thai này tương ứng với đáp án là “Thần Tài”. Bởi kỷ niệm Đống Đa là để tướng nhớ vua Quang Trung và các Văn thần Võ tướng tài giỏi của nhà Tây Sơn. Vua Quang Trung, vị vua tài giỏi, xuất chúng… người giỏi xuất chúng được mệnh danh là thần, và có tài nên đáp án ứng với “Thần Tài””.

Cổ Nhơn ở An Nhơn được tổ chức ở 3 địa điểm, P. Bình Định, xã Nhơn Phong và Nhơn Hạnh. Mỗi ngày, Cổ Nhơn xổ hội 3 lần tương ứng với 3 lần chơi. “Cổ Nhơn chỉ còn tổ chức ngày cuối cùng (6.1 AL), nhưng chúng tôi cứ thấy tiếc. Phải chờ một năm nữa mới lại được xem hội Cổ Nhơn quê mình. Đi xa, nhớ tết nhớ nhà và nhớ cả câu đề Cổ Nhơn…”, anh Phạm Mười, người chơi Cổ Nhơn chia sẻ.

Theo Dịu Dịu (báo Phụ Nữ)
Travel79.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét