(BCT) - Cá đỏ dạ là loại cá có thân hình thoi dài, dẹp, màu vàng, đậm ở phía trên... Tên tiếng Anh cá đỏ dạ là Large yellow croaker. Thuộc nhóm “croaker” của vùng biển Đông Á nên cá đỏ dạ còn có tên cá đù vàng, hay còn được gọi là cá sóc.
Ngoài ra cá đỏ dạ còn có vài tên gọi khác, như: đù cóc, đù ngao, đù giấy,…vì nó thuộc họ cá lù đù. Ngư dân Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) kể rằng cá đù ngày xưa không biết làm gì cho hết, đánh một giác lưới cá đù chiếm đến 50%, mỗi ghe kiếm được vài trăm ký cá đù trong một ngày đêm là thường. Nếu là loại nhỏ thì người ta làm cá phân, lớn cỡ cườm tay trở lên thì bán cho người nghèo với giá rẻ.
Nhưng rồi cái thời “mạt vận” của cá đù vàng cũng qua, khi thành con cá đỏ dạ. Nó lên đến đỉnh điểm giá trị kinh tế cao, từ hai ba chục ngàn đồng đến cả trăm ngàn đồng một ký.
Được vậy là nhờ bà Trịnh Khởi Nghĩa, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tứ Hải – một doanh nghiệp có tiếng kinh doanh các mặt hàng biển Bạc Liêu. Ban đầu, bà Nghĩa xuất tươi con cá đỏ dạ qua Mỹ. Việt kiều chiên không đúng cách, không vừa ý. Rút kinh nghiệm, bà Nghĩa chiên sẵn, để nguội, cho vô hộp rồi xuất đi. Người ta chỉ cần hâm nóng là đã có món ngon như ý.
Một lần bà Nghĩa phát hiện thương nhân Hàn Quốc đưa công nghệ chế biến cá lù đù cho một đại lý để thu mua. Bà học lóm rồi đưa cách làm khô cổ truyền địa phương vào để chế biến con cá đù vàng thành con khô đỏ dạ với hương vị độc đáo, thu hút ngay thương khách xứ Hàn.
Đó là “mẹo” để cá tươi trong một thời gian nhất định mới cho ăn muối, và “đo nắng” để quyết đoán con cá đã “ăn” đủ nắng chưa. Hơn thế nữa, bà còn móc rửa sạch ruột cá đỏ dạ. Nhờ vậy mà khách Hàn, khách Nhật, khách Đài Loan, khách Trung Quốc rất ưa chuộng.
Cá đỏ dạ chiên tươi chấm nước mắm ớt đã ngon. Nhưng ngon hơn là khô cá đỏ dạ chiên. Ăn món này là thưởng thức vị beo béo, mằn mặn, ngòn ngọt lại rất bùi.
Người dùng không phân biệt nổi mình dùng cá tươi, cá khô hay là mắm. Dường như nó là sự tổng hòa của cả ba hình thức chế biến này lại để thành một thứ “hải vị” không thua gì “sơn hào”. Nó càng ngon hơn khi chấm với nước chấm do bà Nghĩa pha chế nhờ cái mẹo cho thêm ít nước tương vào chén mắm me sẽ giúp nó sánh và thơm với vị beo béo.
Khách phương xa một khi được thưởng thức món này ai cũng trầm trồ khen ngợi. Chính là vì món ăn “độc”, đặc sản của đất Bạc Liêu nên người địa phương luôn tự hào chiêu đãi và làm quà tặng khách phương xa những khi đến thăm hoặc làm việc ở xứ Bạc.
Theo Phương Kiều (báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét